…hay đó chỉ là chiến lược truyền thông của chính phủ?

Chuyến đi Bhutan kéo dài có một tuần, tức 7 ngày, nhưng câu hỏi trên đã “đeo bám” tôi gần 7 tháng. À, là tôi nói hơi quá thôi, chứ thật ra thì… quá thiệt! Trở về từ “Quốc gia Hạnh phúc”, câu hỏi tôi luôn mang theo: thật sự họ, những công dân Bhutan, có hạnh phúc? Tôi hoàn toàn có quyền nghi ngờ. Và tôi đi tìm câu trả lời.

Biểu tượng của Bhutan: Tiger's Nest
Biểu tượng của Bhutan: Tiger’s Nest

Tôi lục lọi, sục sạo internet để tìm tài liệu, tôi đọc sách, tôi hỏi thăm, cộng với trải nghiệm thực tế, thậm chí “kéo” một bạn Bhutan ra khỏi quốc gia của bạn ấy để tìm đáp án. Đó không hẳn là lý do tôi kéo dài việc “tìm kiếm”. Nói thế cứ như thể tôi giành hết thời gian chỉ để trả lời cho câu hỏi “vớ vẩn” chả ai quan tâm đó, mà đơn giản là vì bận quá những việc của mình thôi. Nhân ngày Quốc tế Hạnh phúc 20/3/2017, ngày mà Báo cáo Hạnh phúc Thế giới 2017 lên kệ, mình cũng cho lên bài cho xong, khỏi lăn tăn. Khùng ghê!

WORLD HAPPINESS REPORT

Tóm lại vậy nè. Tháng 7/2011, Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc (LHQ) UNCA quyết định đo lường hạnh phúc của chúng sanh. Đến tháng 4/2012, cuộc họp cấp cao LHQ về hạnh phúc do thủ tướng Bhutan chủ trì. Sau đó thì có cái Báo cáo Hạnh phúc Thế giới đầu tiên. Đó đến nay thì được mấy phiên bản: 2012, 2013, 2015, 2016 Update và 2017.

Sáu yếu tố để đánh giá chỉ số hạnh phúc của một quốc gia là GDP per capita (thu nhập bình quân đầu người), Healthy life expectancy (tình trạng sống khỏe mạnh), Social support (hỗ trợ xã hội), Freedom to make life choice (tự do chọn lựa), Generousity (rộng lượng) và Perception of corruption (nhận thức về tham nhũng). Theo các báo cáo dựa trên 6 yếu tố này thì Bhutan xếp thứ 97 trong danh sách của Báo cáo 2017, tức là có 96 nước có chỉ số hạnh phúc cao hơn Bhutan (trong đó có Việt Nam, đứng thứ 93). Nghĩa là Bhutan không phải là quốc gia hạnh phúc nhất theo các tiêu chí của LHQ.

Bhutan là quốc gia Phật giáo. Phải chăng họ hạnh phúc từ tâm theo giáo lý Phật?
Bhutan là quốc gia Phật giáo. Phải chăng họ hạnh phúc từ tâm theo giáo lý Phật?

Thử Google từ khóa “quốc gia hạnh phúc”, có gần 900 ngàn kết quả. Ngay trang đầu đã thấy phần lớn kết quả liên quan đến Bhutan. Một số kết quả còn ghi “quốc gia hạnh phúc NHẤT”. Điều này dễ lý giải nếu phần lớn các bài của Việt Nam lấy tư liệu hoặc dịch từ nước ngoài. Vì nhiều kết quả với từ khóa “Nation of Happiness” cũng cho ra các bài như “The World’s HAPPIEST country” bên cạnh các bài về Gross Nation Happiness (GNH – Tổng hạnh phúc quốc gia).

Tại sao Bhutan không phải là quốc gia hạnh phúc nhất thế giới mà lại được truyền thông tung hô, ca ngợi là quốc gia hạnh phúc nhất? Và tại sao cứ nói đến quốc gia hạnh phúc là người ta nghĩ ngay đến Bhutan. Người Bhutan có thực sự hạnh phúc?

MỘT VÀI LÝ DO

Nếu chỉ dùng những chỉ số của LHQ để so sánh thì rõ ràng Bhutan không phải là quốc gia hạnh phúc nhất. Tuy nhiên, lùi lại một tí để giải thích.

Năm 1729, tức là thế kỷ 18, luật Bhutan có ghi: “Nếu chính phủ không làm cho dân hạnh phúc thì không có lý do gì để tồn tại” (Ứớc gì chính phủ xứ sở thiên đường cũng thế). Đến năm 1972, khái niệm “tổng hạnh phúc quốc gia” (GNH) được vua Bhutan đệ Tứ chính thức đưa vào thành tiêu chí phát triển quốc gia. Khúc này chắc cũng nhiều người biết, vì báo chí nói đầy. Năm 2011, LHQ chính thức đưa GNH vào các chỉ số phát triển quốc gia trong cuộc họp cấp cao cũng do thủ tướng Bhutan chủ trì. (Nói nghe, có khi nào Bhutan “lobby” LHQ không, ha ha…?). Sau đó, trong Báo cáo Hạnh phúc Thế giới năm đầu tiên, Bhutan là quốc gia duy nhất được đưa vào báo cáo trong mục case study về việc áp dụng GNH. Nhân tiện, báo cáo 2012 chưa tổng hợp các tiêu chí thành một bảng mà để từng tiêu chí riêng biệt nên không so sánh được. Tìm toét mắt không thấy Bhutan trong bảng kết quả.

Kiến trúc nào cũng na na nhau. Punakha Dzong
Kiến trúc nào cũng na ná nhau. Punakha Dzong

Theo đó thì có thể Bhutan là quốc gia đầu tiên áp dụng GNH vào sự phát triển quốc gia, dù xét theo các tiêu chí của LHQ thì Bhutan không phải là quốc gia hạnh phúc nhất. Mà người tiên phong thì luôn có ưu thế về độ nhận biết.

Lý do thứ hai, chính phủ và nhà vua Bhutan rất kiên vững theo bước cha ông. (Đang nói theo ngôn ngữ “của xứ sở thiên đường”). Bhutan lấy chỉ số hạnh phúc làm thước đo theo yêu cầu của vị vua thứ Tư. Vì thật ra, nếu xét theo GDP (tổng sản lượng quốc nội) như các quốc gia khác thì Bhutan chả có gì. Họ quá “khôn” khi chọn cho mình một điểm khác biệt để có thể nổi bật với thế giới và che đi điểm yếu của mình. Nói như thế không có nghĩa là “thùng rỗng kêu to”. Họ biết được điểm mạnh để phát huy thôi.

Bhutan với địa hình đồi núi với hơn 90% diện tích là rừng (số này do “người nhà” tiết lộ, còn  số trên truyền thông thì khoảng 72-76% gì đấy). Đó là một ưu điểm để Bhutan có thể khoe với cả thế giới rằng “quốc gia chúng tôi âm tính với carbon, chúng tôi có thiên nhiên, chúng tôi hạnh phúc” (từ bài phát biểu của thủ tướng Bhutan trong TED Talk). Và thế là trong một thế giới đầy biến động về khí hậu, môi trường, Bhutan trở nên nổi bật, kèm theo “hạnh phúc”.

Xét theo khía cạnh marketing, Bhutan biết được điểm khác biệt của mình, lại là người đi đầu, nên khai thác triệt để. Truyền thông cứ ra rả Bhutan là quốc gia hạnh phúc (Nation of Happiness), là thiên đường còn sót lại của trái đất (the Last Shangri-La), là quốc gia duy nhất có diện tích rừng lớn nhất… Vậy thôi cũng đã đủ kéo dân tình “mua” sản phẩm, dịch vụ rồi.

BHUTAN CÓ THẬT SỰ HẠNH PHÚC

Quay lại tiêu chí. Nếu xét trên tiêu chí LHQ thì rõ là không. Tuy nhiên, bản thân Bhutan, vì lấy hạnh phúc làm thước đo, nên vẫn có những chính sách, hoạt động nhằm mang lại hạnh phúc cho người dân. Bhutan vẫn thực hiện những khảo sát và báo cáo hạnh phúc riêng của mình, dựa theo các tiêu chí riêng gồm 4 cột trụ (Chính trị, Kinh tế, Văn hóa, Môi trường) với 9 phạm vi  (Psychological well-being, Health, Time Use, Education, Cultural diversity and resilience, Community vitality, Good Governance, Ecological diversity and resilience, Living standards)

So sánh giữa báo cáo 2015 và 2010 thì thấy các chỉ số không khác nhau là mấy. Tức là sau 5 năm, hạnh phúc của người dân không thay đổi nhiều. Ví dụ như cân bằng cuộc sống thì cũng như 2010 (tức không thay đổi). (Xin lỗi, Báo cáo Hạnh phúc Bhutan 2010 nhiều quá đọc không hết nổi); rồi chính phủ có cải thiện gì không thì không có gì… Nói chung, là thấy cũng có thay đổi nhưng không đáng kể.

Test
Tui không thấy hạnh phúc từ những gương mặt này

Vậy thì đâu hạnh phúc gì?

Ờ, chắc vậy quá, ha ha… Nếu hỏi một tour guide, chắc sẽ nhận được câu trả lời: “Tôi hạnh phúc”. Ồ, đương nhiêu rồi, họ là tour guide mà. Việc của họ là nói với khách du lịch như thế mà. Nhưng nhìn gương mặt của người dân, hông thấy nổi họ hạnh phúc. Mà có khi họ cũng hạnh phúc với đồng ruộng, với lúa rừng, với con người, với chính phủ, với đất nước của họ. Vì cơ bản, họ cũng không đi ra ngoài để biết liệu mình có hạnh phúc hơn khi sống bên ngoài hay không.

Nếu hạnh phúc được tính bằng giáo dục miễn phí, y tế miễn phí, thì hẳn Bhutan hạnh phúc thật. Nhưng lại nữa, miễn phí thì nghĩa là ai cũng được hưởng như nhau, cho dù bạn có tiền hay không có tiền thì vẫn chả khác gì. Thế nên có nhiều tiền hơn cũng không được trải nghiệm dịch vụ tốt hơn, thì sao biết liệu có hạnh phúc hơn không.

Một điều nữa, vì Bhutan được miễn phí hai dịch vụ cơ bản như trên, lại không có nhu cầu chi tiêu nhiều, đi du lịch nước ngoài, nên người dân Bhutan không có thói quen tiết kiệm. Họ làm nhiêu xài nhiêu. Ăn uống thì “của nhà trồng được”. Mà không có tiền, không lo toan, cũng là một loại hạnh phúc chăng?

Tóm lại, Bhutan có hạnh phúc không?

Ờ, thì tùy, họ thấy hạnh phúc thì họ hạnh phúc thôi. He he…

P/S: Thiệt ra đọc nhiều tài liệu lắm, mà viết hết nổi rồi =))

———————-

Tham khảo:

  1. Báo cáo Hạnh phúc Thế giới 2012, 2013, 2015, 2016 update & 2017
  2. GNH Survey Report 2010, 2015, GrossNationalHappiness.com
  3. TED Talk speech of Bhutan Prime Minister.
  4. Tổng hợp xếp hạng của Bhutan qua các năm 2012, 2013, 2015, 2016 Update và 2017 lần lượt là không tổng hợp được, không có trong danh sách, 79, 84, 97.

Show CommentsClose Comments

Leave a comment