Những tế bào cảm xúc sinh ra cùng với con người. Càng lớn lên con người càng tự sản sinh ra nhiều tế bào cảm xúc khác nhau, phức tạp.

ung thu cam xuc

Ung thư cảm xúc là do môi trường sống, cũng có thể do di truyền, gây ra. Bệnh phát triển từ từ, thường là do các tế bào cảm xúc bị yếu đi, chết dần khi con người trải qua những đau khổ, vấp ngã, thất bại… Sau những lúc như thế, con người tự sản sinh ra những tế bào anti-emotion (chống cảm xúc). Họ dần không cảm thấy cần phải đau khổ, buồn bã, u sầu… nữa. Họ vui hơn, hạnh phúc hơn, biết sống và tận hưởng hơn. Thế là cuộc sống họ trở nên tuyệt vời, cho đến khi…

Họ trở nên vô cảm khi các tế bào anti-emotion phát triển quá mạnh. Chúng “ăn” dần các tế bào cảm xúc, thường là khi họ gặp quá nhiều vấn đề trong cuộc sống. Con người khi đó không thấy buồn, và cũng chẳng vui; không đau khổ cũng chẳng hạnh phúc; không u sầu cũng chẳng tươi vui. Họ không buồn khóc trước một đám tang mà cũng chẳng vui cười trước một đám cưới. Họ vô cảm với chính bản thân họ và với cả những người xung quanh. Họ kém tinh tế để nhận thấy cảm xúc của người khác ngay cả khi nó hiển thị rõ ràng.

Biểu hiện của những người ung thư cảm xúc giai đoạn đầu là bạn luôn thấy họ trong trạng thái tươi vui, tích cực, nhưng thực chất bên trong ngược lại. Bên ngoài chỉ là vỏ bọc. Giai đoạn sau, họ trở nên khó chịu, cáu gắt, dễ bực bội… Đó là lúc các tế bào ung thư lan hết cơ thể.

Có những cảm xúc tiêu cực sinh ra đã có, được truyền từ đời cha mẹ. Có những cái “nghiệp” mang từ lúc chào đời. Tùy môi trường sống mà cảm xúc phát triển thể nào. Có những cảm xúc ẩn mình hơn 30 năm. Các tế bào của nó được nuôi lớn bởi lòng thù hận, chán ghét, giận dỗi, chịu đựng, để rồi chỉ cần một vết thương nhỏ của trái tim là xé toạt tất cả. Các tế bào ung thư bung tràn ra, được giải thoát, lan toàn cơ thể, cũng là lúc con người đối diện với những hậu quả khó lường về mặt cảm xúc, có thể gây nguy hại cho cơ thể.

Ung thư cảm xúc cũng như bất kỳ loại ung thư nào, khó phát hiện, biểu hiện không rõ ràng, khó chữa lành ở giai đoạn cuối, rất phức tạp, và cũng không biết làm sao mà phòng bệnh.

Nếu có phương pháp điều trị ung thư cảm xúc, mình xin tình nguyện làm “chuột bạch”.

Sài Gòn 30/01/2016

Show CommentsClose Comments

Leave a comment