Những năm gần đây mình đi rừng (trekking, hiking) nhiều hơn đi biển. Xong phát hiện là mình thích đi rừng hơn. Đi biển hay rừng đều có những trải nghiệm thú vị, nhưng dường như, rừng chỉ dành cho vài đứa, còn biển là “du lịch quốc dân”.

Dáng đứng... cong veo
Dáng đứng… cong veo với bộ đồ đi rừng “thần thánh” (Phong Nha)

Mình không đi nhiều và thường xuyên như các bạn trekkers, hay dân chuyên nghiệp. Những chia sẻ của mình chủ yếu từ trải nghiệm cá nhân, có thể phù hợp với các bạn có ý định đi hoặc đi vài lần ít ỏi như mình.

1. Chuẩn bị tinh thần

“You are what you think”. Nếu nghĩ đi rừng sẽ có những trải nghiệm thú vị như tắm suối, uống nước suối, ngủ lều, ăn cá tươi dưới sông… thì đi. Còn nghĩ đi rừng mệt mỏi, hành xác thì ở nhà. Tinh thần là quan trọng nhất đối với người đi rừng. Nó giúp bạn vượt qua các khó khăn trong chuyến đi.

Hồi lần đầu đi trek, mình chọn Fansipan, mình chả nghĩ nó cao hay thấp, khó hay dễ, chỉ biết là thích đi. Đi xong thấy khó bỏ mẹ, muốn bỏ cuộc khi mới bắt đầu. Nhưng là một trải nghiệm cực kỳ tuyệt vời. Mình không bao giờ quên cảm giác đang mệt tột đỉnh mà ngước lên thấy cái chóp đá nhọn “trong truyền thuyết”, mọi mệt mỏi tan một phát nhanh như chớp.

2. Chuẩn bị thể chất

Đi chơi xa thì đây là yếu tố cần thiết. Đi rừng thì càng cần. Nếu bạn là người tập luyện thường xuyên thì cứ tập đều đặn, không việc gì phải lo. Cơ thể đã có một sức khỏe, sức bền nào đó. Nếu chưa, hãy tập 2-3 tháng trước khi đi. Tập đều đặn tốt hơn tập nặng với cường độ cao trong thời gian ngắn.

Lúc đi Fansipan, mình chẳng tập thêm gì đâu. Nghe khuyên nên tập đi bộ với balo nặng bằng trọng lượng thật để làm quen. Nhưng bận quá chẳng tập. Đi vẫn tốt. Vì trước đó đã tập yoga lâu. Đi rừng cần sức bền hơn là sức mạnh nha. Lúc đi Tú Làn, mình phải tập bơi. Lúc đó chỉ biết là yêu cầu của tour là vậy. Sau đó đi mới biết bơi là kỹ năng cần thiết để… ra khỏi rừng, ha ha…

Để lên đỉnh thì cần tập luyện nhoa
Để lên đỉnh thì cần tập luyện nhoa (Fanispan)

Nói chung, cứ tập tành đều đặn, không bổ dọc cũng bổ ngang, không đi rừng cũng để khỏe. Nhưng nếu bạn có vấn đề về cột sống, khớp thì nên tham khảo ý kiến bác sĩ nha. Lúc bị viêm khớp gối, mình nghỉ đi một năm luôn.

3. ‎Chuẩn bị trang phục

Phần này quan trọng nà. Đi rừng chứ không phải đi biển chụp hình sống ảo, nên không mang nhiều áo quần và những thứ linh tinh như bộ chăm sóc da hay trang điểm, phụ kiện thời trang, giày dép các loại.

– Giày

Là ưu tiên hàng đầu. Chọn giày có độ bám tốt. Nếu có điều kiện, chọn giày chuyên dụng. Không thì cứ ra chợ Dân Sinh mua giày bộ đội. Bao rẻ, bao bám. Có điều nặng và không bảo vệ chân tối ưu.

Hồi mới đi chỉ có khả năng xài giày bộ đội thôi. Vây cho rẻ.
Hồi mới đi chỉ có khả năng xài giày bộ đội thôi. Vây cho rẻ. Quần cũng rộng thùng thình, được cái chống nước. (Fansipan)

Lúc đi Fansipan, mình mua giày bộ đội, đi tốt. Lúc đi Tú Làn, mình mua đôi chuyên dụng, hàng nhái, về độ bám thì ổn, chân ổn. Sau đó đi thêm tour Hang Va, Hang Tiên, Bhutan, Tà Năng – Phan Dũng thì nó đã chính thức “cướp” móng chân cái vì chật.

Đôi giày "thần thánh" đi quá trời tour mới chịu bỏ
Đôi giày “thần thánh” đi quá trời tour mới chịu bỏ (Quảng Bình)

Chọn giày nên đi thử nha. Để ý ngón chân. Khi xuống dốc, thì ngón chân sẽ chịu lực nhiều. Ai ngón dài càng nên chú ý. Với lại, lưu ý, nếu mà lội suối nhiều cứ chọn giày bình thường đi, chứ chọn giày chống thấm xuống suối mà nước trên mắc cá thì thấm hết cmnr.

Nên có một đôi sandals mang ở trại. Chọn loại bền, êm nha, để tránh hư, đứt giữa chừng và giữa rừng.

– Áo quần

Nhất thiết phải chọn áo quần gọn, nhẹ, mau khô. Quần dài, áo tay dài cho khỏi côn trùng cắn, muỗi đốt hay va quẹt với cây lá. Mấy cái này bán nhiều ở các cửa hàng chuyên dụng, cũng không mắc lắm.

Bộ đồ "thần thánh" theo em đi khắp thế gian. Lúc đi Tú Làn, một bộ 4 ngày. Qua Hang Va mặc tiếp
Bộ đồ “thần thánh” theo em đi khắp thế gian. Lúc đi Tú Làn, một bộ 4 ngày. Qua Hang Va mặc tiếp (Tú Làn)

Gọn để không chiếm nhiều không gian của balo. Đi rừng cần nhiều thứ khác nữa. Áo quần nhiều quá thì không còn chỗ để đồ khác. Nhẹ để dễ mang vác. Đi rừng thường leo lên leo xuống chứ không đi ngang như đồng bằng. Nửa ký đồ khi mệt nặng như cả tấn. Mau khô để có lội suối, lội nước cũng không ướt lâu, vừa có thể ảnh hưởng đến sức khỏe, vừa nặng hơn bình thường.

Cái này đi Tà Cú, ngắn tủn, nhẹ hều, nên cũng không cần quá cẩn thận về trang phục
Cái này đi ngắn tủn, nhẹ hều, nên cũng không cần quá cẩn thận về trang phục. (Tà Cú)

Áo khoác nên chọn loại chuyên dụng, chống nước càng tốt. Thường chúng mỏng, gọn, dễ mang theo. Chứ đi rừng mà mang nguyên cái áo chống lạnh dày cộp như đi châu Âu thì fail quá fail.

Cai áo khoác chống nước này đã hết chống được nước do thiếu hiểu biết trong quá trình giặt.
Cái áo khoác chống nước này đã hết chống được nước do thiếu hiểu biết trong quá trình giặt. (Tà Năng – Phan Dũng) 

Kinh nghiệm của mình, đi nhiều ngày cũng chỉ cần 3 bộ: 1 bộ mặc ban ngày (tắm xong, phơi, mặc lại), 1 bộ mặc đêm (quần legging dài, áo có tay) và 1 bộ dự phòng (thường là cho ngày cuối). Vậy là đủ.

– Balo

Nên chọn loại chuyên dụng nha. Còn nếu không có điều kiện, thì chọn balo nào có đai cài quanh bụng đấy. Cái đai này giúp giữ balo cố định trên lưng, không bị dịch chuyển khi leo lên leo xuống. Balo nhẹ làm một lợi thế. Bạn sẽ mang vác được nhiều hơn.

Chủ yếu xem cái balo có đai bụng
Chủ yếu xem cái balo có đai bụng, Thật ra có cái đai ngực nữa, thấy cái dây tòng teng hông? Nhưng mình ít dùng. (Tà Năng – Phan Dũng)

Nhân tiện nói chuyện balo. Đi rừng thì ngoài vác cái balo và để cả thể giới bên trong thì không xách thêm bất cứ thứ gì khác như túi đeo, túi nylon, thậm chí chai nước. Nước thì nên để bên hông balo, khi cần lấy uống. Chứ nước mà xách tòng teng thì không tiện di chuyển đâu. Máy ảnh, điện thoại thì có thể theo cổ để tiện lấy ra chụp nhanh.

Cái này là minh họa cho balo, ý là vận động, xoay thế nào thì balo vẫn cố định trên lưng, tránh gây ảnh hưởng đến cột sống.
Cái này là minh họa cho balo, ý là vận động, xoay thế nào thì balo vẫn cố định trên lưng, tránh gây ảnh hưởng đến cột sống. (Phong Nha)
Balo "bao nhảy", ha ha...
Balo “bao nhảy”, ha ha… (Bù Gia Mập)

Có thể mua thêm các túi nhỏ chuyên dụng để tách đồ trong balo theo nhóm, vừa gọn gàng, vừa tiện lợi.

– Gậy

Thích thì mua cái gậy chuyên dụng. Không thì cứ đến bìa rừng, thấy cái cây nào đẹp đẹp xinh xinh có thể làm gậy thì bốc lên. Đi rừng có thêm “chân” sẽ vững hơn. Trước giờ mình chưa mua cây gậy nào. Toàn lấy cây rừng, đi xong trả lại cho rừng.

– Khác

Những thứ còn lại như tất, găng tay, nón, bao gối, thuốc cá nhân, áo mưa… này nọ thì không cần phải lưu ý nhiều. Để chuyến đi suôn sẻ thì cứ chuẩn bị kỹ, nhưng nguyên tắc là gọn, nhẹ.

4. Chuẩn bị khởi hành

  • Mua thêm thực phẩm khô, lương khô nếu sợ đói. Mang ít thôi. Mang nhiều nặng. Mua thêm chocolate, nước tăng lực hoặc các loại viên sủi như C nếu cần. Chocolate phục hồi năng lượng nhanh. Mình đi thì mua rất ít chocolate, các thứ còn lại thì không. Mua nhiều không ai vác cho.
  • Vác thử balo. Nếu nặng quá thì bỏ bớt nha. Đừng có tiếc.
  • Sạc pin dự phòng. Một cục thôi đủ rồi. Mang chi lắm cho nặng. Vào rừng thì chuyển điện thoại qua chế độ máy bay để tiết kiệm pin. Nếu không, điện thoại sẽ cố gắng bắt sóng gây tốn nhiều pin nhiều hơn.
  • Ngủ đủ giấc. Thiếu ngủ thì không đi nỗi đâu ha.

Vậy thôi. Bao nhiêu tâm huyết có nhiêu đó. Chúc vui!

Show CommentsClose Comments

Leave a comment