Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng

Tôi đọc được thông tin bộ phim tài liệu “Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng” cách đây vài tuần, tự “hứa” với lòng sẽ đi xem. Vậy mà mãi đến khi xuất cuối của đợt đó chiếu, tôi mới phát hiện mình “quên” coi. May sao, họ mở thêm một đợt chiếu nữa. Và hôm nay, khi đi xem, tôi cũng được nghe đoàn phim mở thêm một đợt chiếu khác nữa, trước khi ra Hà Nội vào cuối tháng này.

Cá nhân tôi ít xem phim. Phim tài liệu thì càng hiếm. Nhưng đây là phim tài liệu mà tôi thấy lượng người xem bao giờ cũng kín rạp. Tôi đoán là thế vì các xuất chiếu đều kín chổ nên tôi phải chọn cái giờ “ẩm ương” là 8 giờ 30 sáng Chủ nhật. Mà ngay cả cái giờ tôi nghĩ chả mấy ai đi thì cũng kín rạp. 8 giờ tôi có mặt mà người ta đã có mặt rất đông và chờ giờ mở cửa. Hic, tôi hơi “choáng” vì lượng người yêu thích (hay tò mò) phim tài liệu “Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng”.

Tôi không bàn về nội dung, câu chuyện của phim. Tôi chỉ nói về cảm nhận của mình sau khi xem bộ phim.

Poster phim

Chị Phụng là ai?

Đó là một người đồng tính nam tuổi ngoài 40, theo ngôn ngữ của chị là “bóng mén”. Chị là chủ một đoàn hội chợ hơn 30 con người, tức chị phải chịu trách nhiệm trên cuộc sống không chỉ của chị mà còn của hơn 30 con người kia. Hình ảnh sinh hoạt hằng ngày của đoàn lô-tô và của những “bà pê-đê” gợi lại cho tôi một ký ức nhỏ của tuổi thơ.

Quê tôi lúc trước có những khoảng đất trống lớn, thường hay có các đoàn lô-tô về. Lúc ấy, tôi chỉ biết đoàn lô-tô có các “con pê-đê” ăn mặc diêm dúa múa may hát hò. Trí óc non nớt của tôi không hiểu nổi cuộc sống và những nỗi khổ của họ, cũng không hiểu về giới. Những năm gần đây thì hết lô-tô rồi vì quê tôi cũng hết chổ trống và đã hiện đại hơn.

Quay lại chuyện phim, nhân vật và những câu chuyện của họ thật đến xót xa. Tâm sự của chị Phụng nghe xót xa lắm nhưng giọng điệu của chị lạc quan, tôi cảm nhận như thể họ không thể thay đổi số phận nên chỉ có cách chấp nhận và sống hòa thuận với nó. Chị kể nhà có ba chị em, hai chị gái lấy chồng, sinh toàn con gái. Ba mẹ chị chẳng được ai kêu ông nội, bà nội nên chị xin một con nuôi để có người gọi “ông nội, bà nội” cho ba mẹ vui. Con trai chị cũng mười mấy tuổi, sống với ông bà.

Chị tâm sự, đàn ông hay đàn bà đâu cũng có người này người kia. Pê-đê, bóng mén cũng có đứa xấu đứa tốt, nhưng xã hội này không chấp nhận giới tính thứ ba như chị, nên chị không thể xin làm các công việc khác, chỉ biết theo đoàn lô-tô nay đây mai đó với nhiều rủi ro: bị phá, bị đốt, bị đánh… Đoàn của chị từng bị đốt cháy rụi. Xót xa. Chị buồn nhưng không khóc, dường như không còn khóc nổi.

Mỗi đêm làm việc là để nuôi hơn 30 con người. Chị như người mẹ, vừa kiếm miếng ăn cho các con, vừa dạy dỗ, khuyên răn. Chị cũng lo lắng về một tương lai khi chị không thể đi với đoàn. Chị lo khi để cho người kế thừa mà không biết cách làm thì đoàn sẽ tan rã.

Những câu chuyện được kể một cách chân thật. Thật đến xót xa. Kết thúc phim là cảnh chị ngồi trên võng ở một bãi đất trống mà đoàn vừa dọn tới, lại tiếp tục những ngày rong ruổi. Nhưng sau đó là dòng chữ thông báo chị Phụng và một chị khác trong đoàn đã mất. Đấy mới là điều xót xa cho tôi, một khán giả.

Phim rất thật. Chị Phụng rất thật. Chị nói trước máy quay cũng rất thật. Phàm cái gì thật thì dễ chạm lòng người.

Một tiếng lặng lọt thỏm giữa không gian…

Show CommentsClose Comments

Leave a comment