Có một thời gian, mình nghe sách tâm linh nhiều nên hơi “ngợp”, chủ đề lại cứ lặp đi lặp lại, “same same” thấy chán, nên mình chuyển qua nghe các truyện ngắn hoặc sách self-help cho nhẹ đầu. Rồi cuốn “Linh Ứng – Hành trình của kẻ siêu vô thần đến thế giới tâm linh” này “bụp” vô mặt.

Đọc tựa đề và tên tác giả thì không có gì thu hút, nhưng đọc đến lời giới thiệu thì phải nghe liền, dù thời lượng đến gần 17,5 tiếng. Và đúng là một lựa chọn thú vị.

Sách của nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn (lúc mới đọc tên tác giả, mình còn tưởng của chú saxophonist Nguyễn Mạnh Tuấn nữa cơ). Nghe phần giới thiệu thôi cũng biết sách chất lượng. Và mình bị cuốn theo.

Sách gồm 26 chương, 700 trang, kể về “hành trình của kẻ siêu vô thần đến thế giới tâm linh“. Xuyên suốt sách là câu chuyện đi tìm hài cốt của người anh của tác giả và các đồng đội, những người đã chết trong chiến tranh, thông qua các nhà ngoại cảm. Có những điều chính bản thân bác tác giả, là một người vô thần, không thể giải thích được và đành tin là “chuyện tâm linh không đùa được đâu”.

Đan xen giữa các chương là những câu chuyện thực tế và tâm linh nên khá dễ đọc và tiếp thu. Những câu chuyện từ khi nhân vật chính, liệt sĩ Nguyễn Minh Khôi, còn là đứa trẻ cho đến khi trưởng thành, đi lính, những mô tả về tính cách, con người, khí chất của một thanh niên sinh ra và lớn lên thời chiến, những tâm tư, tình cảm cho đất nước, cho tình yêu cá nhân được xen cùng những câu chuyện, hiện tượng, sự việc khó giải thích trong hành trình tìm hài cốt “anh Khôi”. Câu chuyện kéo dài từ những năm 1940 cho đến 2016.

Sự thích thú của mình dành cho cuốn sách không nằm ở những chuyện tâm linh mà chính là những sự kiện, cột mốc, con người của chiến tranh. Một đứa sinh ra thời hậu chiến chỉ biết lịch sử qua môn học như mình thì chắc chắn không thể nào hiểu thực tế những khó khăn, gian khổ, những chia cắt, tái hợp, những tâm tư, tình cảm, tư duy của thế hệ ông bà. Tác giả cuốn sách, người đã ngoài 70, cùng với các nhân vật khác trong sách, đã trải qua các cuộc chiến chống Pháp, Mỹ, Trung… nên câu chuyện của họ cũng rất thực tế. Nó không phải là toàn bộ lịch sử, nhưng là một phần mà có thể lịch sử đã bỏ qua vì nhiều lý do.

Nghe hết sách thì mình cũng chẳng hiểu rõ lịch sử Việt Nam hơn, nhưng ít nhất cũng hiểu thêm được một phần là tâm tư của những người từng là lính với những vết thương của chiến tranh đã để lại trong họ. Dù phe địch hay phe ta, dù đàng trong hay đàng ngoài, dù bên thắng cuộc hay bên thua cuộc, thì cũng đều trải qua những đau thương, mất mát.

Có những linh hồn còn chưa bao giờ được tìm thấy…

Show CommentsClose Comments

Leave a comment