ÁI NGỮ

Lần đầu mình nghe cụm từ này vài năm trước, khi lần đầu tiên đến Làng Mai. Lúc đó nghe thấy cũng thú vị, rồi bổ sung một từ mới vào từ điển cá nhân chứ không hiểu ái ngữ là gì lắm.

Sau đó, khi biết Thần số học, mình biết đặc điểm của người số 8 là ít thể hiện cảm xúc, ít nói lời khen ngợi, yêu thương mà chỉ để trong lòng. Và mục đích trên đời này của người số 8 là phải học cách nói lời yêu thương và bày tỏ sự trân trọng với người khác. Mình bắt đầu cảm nhận được ái ngữ. Và thực hành.

Để nói lời khen ngợi, yêu thương, động viên người khác quả là không dễ dàng. Mình biết họ giỏi đó, họ tốt đó, họ đẹp đó, họ hay đó, nhưng nói ra điều đó thấy khó khó sao á. Nhưng rồi mình cũng làm được tất (và vẫn còn đang thực hành chứ chưa “master” đâu). Nói lời tích cực với người khác cũng mang lại sự tích cực cho chính bản thân mình.

Mình cũng tập thay những từ tiêu cực bằng những từ ít tiêu cực hơn. Thay vì chê “xấu” thì mình sẽ nói là “chưa được đẹp lắm“. Thay vì bảo làm vậy là “sai” thì mình sẽ nói “chưa đúng cách và tối ưu lắm“. Thay vì chê “mặc áo màu đỏ xấu” thì mình sẽ nói “chiếc áo nổi bật quá nhưng mình thấy màu xanh hôm trước mặc xinh hơn“… Thay vì chê đối thủ “agency đó chạy sai bét nhè nên chả có kết quả gì” thì mình sẽ nói “chắc họ chưa đủ thời gian tối ưu lắm“… Nói chung cũng “lươn lẹo” tí cho người nghe khỏi tổn thương mà mình cũng chả ảnh hưởng gì.

Xưa kia, mình hay lấy lý do là thẳng tính để đưa ra các góp ý, phản hồi thẳng thắn, bộc trực và khiến cho người nghe cảm thấy khó chịu, cứ như họ bị tát nước vào mặt. Và mình thì không quan tâm lắm, vì điều mình nói là đúng (cứng đầu, lì lợm, lại còn mang số 8). Sau khi học ái ngữ, mình nhận ra điều đúng chưa chắc là điều đáng làm.

Khi cần góp ý, phản hồi, mình tự hỏi bản thân tám vạn câu hỏi: cái thông tin đó đúng chưa; còn góc thông tin nào mình chưa khai thác / chưa hiểu thấu; nếu mình là họ thì sao; cái đó có phải do họ không, hay do những tác nhân, tác động khách quan; điều mình nói có thực sự hữu ích và cần thiếu không; lời mình nói có đủ rõ ràng không; tuýp người này nên nói như thế nào; điểm tốt / hay / giỏi / tích cực mà họ làm được là gì, chúng có giúp mình bỏ qua những lỗi họ đang mắc không…

Nghe thì phức cmn tạp! Chỉ là góp ý thôi mà. Nhưng góp ý cũng cần ái ngữ. Biết cách nói thì sẽ cộng thêm giá trị cho chính sự góp ý. Còn không thì góp ý hay phản hồi của bạn chỉ mang tính chỉ trích. Đã chả giúp được gì cho đời thì ngậm cái mồm lại.

Có người nói, khi ta trẻ thì ai chả mắc sai lầm. Càng lớn sẽ càng học hỏi được thôi. Đúng và không đúng nha. Lớn tuổi chẳng đồng nghĩa với trưởng thành. Có những người bốn chục, năm chục, thậm chí sáu chục, bảy chục vẫn có thể làm tổn thương người khác bằng chính lời nói tưởng là thẳng nhưng mà thật ra là rất thô của họ.

Học ái ngữ hay học gì cũng không dễ. Mà phàm cái gì không dễ học thì luôn mang lại kết quả tốt.

Show CommentsClose Comments

Leave a comment