Mình thỉnh thoảng nhìn thấy email của những người chung quanh chật cứng với cả trăm, thậm chí cả ngàn email chưa đọc. Mình cũng thỉnh thoảng nghe rằng email của mình gởi chưa nhận được do hộp mail của người nhận có quá nhiều thư rác nên họ chả buồn check email của mình hoặc nó chìm nghỉm đâu đó trong đống rác kia.

Chắc nhiều người hiểu được tình trạng này. Nhưng khi mình hỏi sao không dọn đi thì câu trả lời chung đều là không có thời gian hoặc nhiều quá, dọn mệt. Mà phần lớn là email từ các trang mạng xã hội (MXH) và trang thương mại điện tử (TMĐT).

Email nó giống như cái nhà mình thôi. Mình mời ai vào, mang thứ gì về nhà, đặt để đâu… là do mình quyết định. Nếu cứ để cửa nhà mở đấy rồi ai vào thì vào, đồ nào mang tới thì tới thì cũng đến lúc nhà chật cứng, không thể đón khách quý, không thể để đồ yêu thích vào. Thế thôi.

Và hành động duy nhất là PHẢI DỌN. Nhất định phải dọn. Dọn không chỉ để email sạch sẽ, dọn để tâm trí không còn bận tâm tới chuyện mail rác và dành nhiều quan tâm đến những email quan trọng. Cũng giống dọn nhà. Nhà càng bừa bộn thì càng cần nhiều thời gian để dọn.

Bước 1: Ngưng nhận các email trong tương lai

Tất cả các email quảng cáo, newsletter, đặc biệt là email từ các trang TMĐT đều bắt buộc có có nút “Unsubscribe” / “Hủy đăng ký” trước khi có thể gởi ra cho người dùng. Nó nằm dưới chân nội dung email, thường là ẩn rất nhỏ xíu, thậm chí mờ hoặc gần tông màu nền để người dùng khó nhận ra (này gọi là UI trong thiết kế). Cứ mở một email bất kỳ, tìm đến cái nút “thần thánh” đó rồi hủy đăng ký, từ nay đời bạn không còn phải nhận chúng nữa.

Tất cả các email từ các trang MXH đều có thể được tắt từ chính phần cài đặt của MXH đó. Tắt hết đi. Vậy là không cần phải vừa nhận thông báo trực tiếp trên Facebook lại vừa nhận thêm một tin trong email mà không bao giờ mở ra và đọc.

Bước 2: Xóa các email rác hiện tại

Nếu sợ xóa nhầm thì có thể tìm kiếm xóa theo người gởi. Rồi chọn tất cả email của cùng một người gởi (ví dụ của Facebook, Shopee…) rồi xóa cái “pặc” cho sạch. Email càng nhiều, thời gian xóa càng lâu, nên chịu khó dọn dẹp cho nhà cửa sạch sẽ.

Bước 3: Thường xuyên check email

Có thể định kỳ check mail: hàng ngày, mỗi hai ngày… chẳng hạn để loại nhanh các email rác theo bước 1 và / hoặc bước 2. Kiểu như vừa có rác là vất thì không có cơ hội nào nhà đầy rác cả.

Và thỉnh thoảng vào Spam để xóa email rác. Biết đâu lại nhặt được thứ gì hay ho trong đó.

Với những email nào đọc một lần và không có giá trị trong tương lai (ví dụ email gởi mã code đăng nhập một lần, email gởi link để verify, email chào mừng…) thì đọc xong xóa liền cho khỏi bận tâm.

Ba bước đơn giản vậy thôi là có thể dọn dẹp sạch sẽ rác trong email để có thể làm việc hiệu quả hơn, tâm trí tốt hơn.

Nói chuyện email để nói chuyện dọn những thứ khác trong cuộc sống: những mối quan hệ không còn giá trị, những công việc, hoạt động không còn phù hợp mục tiêu, lối sống không lành mạnh cho sức khỏe đang ngày một yếu…

Trong cuộc sống mỗi ngày chúng ta chắc không thiếu “rác”: những người tiêu cực, những áp đặt vô lý, những người không cùng tầng năng lượng, những việc làm vô bổ chẳng tạo ra giá trị gì cho bản thân, những cuộc hẹn chỉ để nhậu nhẹt, tám chuyện cho qua giờ, những mối quan hệ xã giao không lành mạnh, những trang báo, tin tức tiêu cực, giả mạo… Hãy “unsubscribe” hết.

Người đó thân quá không bỏ được? Hãy nhẹ nhàng “rút lui” trong im lặng bằng lý do bận rộn hoặc bất cứ lý do nào?

Người đó trên MXH? Hãy “unfollow” (hủy theo dõi)

Nhóm chat đó của bạn học nên không tiện rời nhóm? Hãy thông báo lý do với cả nhóm và rời đi. Không tham gia nhóm chat không có nghĩa là nghỉ chơi nhau. Chẳng qua, chúng ta chơi cách khác.

Ông sếp đó / đồng nghiệp đó / vị khách đó ảnh hưởng đến công việc? Hãy tìm cách chuyển hóa hoặc khó quá thì chọn công ty khác. Một khi bạn ngã theo họ thì chỉ có chính bạn đứng thẳng lại thôi.

Bất cứ vấn đề gì cũng có cách để giải quyết. Vấn đề lớn nhất là bạn có muốn “unsubscribe” để cuộc sống bạn sạch sẽ, gọn gàng hơn hay không mà thôi.

Một chiếc video liên quan đến bài viết. Hy vọng nó thú vị hơn chỉ là đọc chữ.

Show CommentsClose Comments

Leave a comment