Khi học cấp ba, mình tự nói với bản thân, làm gì thì làm, nhất định không làm giáo viên. Chả hiểu vì lý do gì mà lại phán thế. Lúc ấy mình không hề thích nghề dạy học tí nào.

Đến khi vào năm chuyên ngành tại đại học, một số bạn bè chọn sư phạm, mình chọn thương mại. Vì mình vẫn nhất định không làm giáo viên, không đi dạy.

Rồi đời xui khiến thế nào, từ khoảng 2011, 2013 đến nay, mình đi dạy khá nhiều và với nhiều hình thức khác nhau: là một giảng viên chuyên môn tại các trung tâm đào tạo, là chuyên gia chia sẻ kiến thức tại các workshop ngắn hạn, giờ làm fitness trainer cũng là “dạy”, rồi đào tạo các PT cũng là dạy. Nghiệp quật không trật phát nào! Sau này coi tử vi mới biết cái nghiệp của mình là nghiệp dạy dỗ, chia sẻ.

Thỉnh thoảng ngẫm cái sự dạy của mình mới nhớ lúc còn nhỏ.

Nhà ông Nội có một lớp học nhỏ. Lớp có bàn học, bảng đen, phấn trắng. Lúc đó, khoảng những năm cuối 1980 đầu 1990, ông chú họ của mình dạy tiếng Anh cho mấy cô chú trong nhà. Năm mình 9 tuổi, gia đình ông bà đi định cư, thế là nhà mình chuyển vào đó, và mình được hưởng cái lớp học và trở thành cô giáo cho mấy đứa em và mấy đứa nhóc hàng xóm.

Hình minh họa cô giáo làng 10-11 tuổi với cô học trò nhỏ cỡ thằng Shìn bây giờ và con Út vài tháng tuổi “học” ké.

Cô giáo oách lắm, được viết lên bảng. Rồi vẽ vời tá lả trên đó để dạy. Cô giáo làng dạy toàn miễn phí, ha ha. Mình còn nhớ cái bảng bị lủng một lỗ nữa cơ, nên khi viết tránh cái lỗ đó ra.

Rồi có một mùa Hè, năm ấy chừng lớp 6, lớp 7, mình dạy con em (giờ là mẹ thằng Shìn be) và cậu bé hàng xóm cùng lớp với em. Một lớp, một cô, hai học trò cứ học tàn tàn, đều đều trong mấy tháng Hè.

Rồi một hôm hết Hè, mẹ cậu bé gởi mình 20,000 đồng. Số tiền này thời đó lớn lắm các mẹ à. Mua được cả đôi dép “xịn”. Ban đầu mình còn ngơ ngác không biết tiền gì, nghĩ chắc tiền cô nợ má mình. Nhưng sau mới biết, tiền công cô trả vì dạy con cô đó. Khoản thù lao đầu đời cho nghiệp dạy. Nghĩ lại thấy vui vui. Sau này thỉnh thoảng mình vẫn dạy miễn phí, có khi thu tiền nhiều, nhưng vẫn nhớ khoản tiền của cô giáo làng lúc ấy.

Show CommentsClose Comments

Leave a comment