(“Trẻ” ở đây được định nghĩa là người dưới 18 tuổi, vẫn còn trong sự kiểm soát của cha mẹ)

Đợt mình đi Bù Gia Mập có hai gia đình với ba đứa trẻ trai, tuổi lần lượt là 16, 17 và 18, là bạn bè với nhau. Trước đây mình chưa đi với trẻ nên cũng không biết trải nghiệm thế nào. Nhưng đi lần này xong thì mình ghi lại một số kinh nghiệm, đặng sau này có con mà dạy. Cha mẹ nào thấy thú vị thì tham khảo thêm.

Bữa đi Bù Gia Mập

1. Có nên cho trẻ đi rừng?

Có thể với cha mẹ, mùa hè cho trẻ về quê chơi đồng lúa, xem con trâu, con bò, hoặc đi biển thì an toàn và “sạch sẽ” hơn đi rừng. Đi rừng có thể mệt mỏi hơn, nguy hiểm hơn (rắn rít, dơ bẩn, sông suối nguy hiểm…. hơn). Tùy thuộc vào độ tuổi của trẻ mà chọn các chương trình đi phù hợp để trẻ làm quen với thiên nhiên, cây cối và học các kỹ năng sinh tồn.

Còn không thì cứ cho trẻ tham gia các học kỳ quân đội, các chương trình hướng đạo sinh cũng được.

2. Mấy tuổi thì cho đi rừng?

Như nói ở trên, thì tuổi nào đi cũng được. Nhỏ thì đi ngắn, đơn giản, lớn thì đi dài hơn. Mà nên cho trẻ đi từ khoảng 10-12 tuổi hoặc sau 18 tuổi, lớn rồi, thích đi đâu thì đi. Chứ cái tuổi lỡ cỡ như mấy “trẻ” chung đoàn mệt lắm. Trai tráng gì mà toàn than khổ, than mệt, toàn chui vô lều chơi game, nghe nhạc.

3. Cha mẹ có nên đi chung?

Nếu cha mẹ là người có kinh nghiệm thì đi chung với trẻ là lợi thế. Nếu cha mẹ không có kinh nghiệm thì nên cho trẻ đi tour, đoàn, nhóm bạn bè với những người hướng dẫn kinh nghiệm.

Đi với bạn bè trẻ sẽ vui hơn, trải nghiệm tốt hơn. Còn đi với cha mẹ thì có thể trẻ sẽ không thoải mái vì sự giám sát.

4. Cần chuẩn bị gì?

  • Phụ huynh chuẩn bị tinh thần là trẻ đi rừng sẽ có thể gặp một số nguy hiểm “bé bé xinh xinh” như muỗi đốt, côn trùng cắn, trầy xước, bùn bẩn… Nhưng chẳng sao cả đâu. Trẻ cần trải nghiệm để lớn. “Úm” trẻ cả ngày không làm cho chúng tự lập được đâu.
  • ‎Phụ huynh cần chuẩn bị trang phục, phụ kiện phù hợp. Đi rừng thì cho trẻ mang đồ gọn, nhẹ, càng ít đồ càng tốt, áo dài tay, quần dài, nón, giày có độ bám tốt để không gây tổn hại đến gối, mắc cá… Nên mang balo đeo vai nhẹ, có đai bụng càng tốt, không mang túi xách vai, túi rút, hay các túi nhỏ, bao bị lỉnh kỉnh. Trẻ cần trải nghiệm chứ không phải bị hành xác.
  • ‎Trẻ nên được chuẩn bị tinh thần, đặc biệt với trẻ đi lần đầu. Cha mẹ dù có kinh nghiệm hay không cũng nên nói trẻ những điều tích cực, rồi kèm một số rủi ro để trẻ hiểu (con sẽ được cắm trại, tắm suối, câu cá, được đốt lửa trại, con có thể bị cây quẹt trầy một chút nhưng không sao, chỉ cần con cẩn thận…). Đừng hù trẻ khiến chúng sợ (mệt lắm, dơ lắm, có rắn rít, tối ngủ dưới đất…).

Hãy để ngày hè của trẻ là những trải nghiệm thú vị, giúp trẻ yêu thiên nhiên hơn.

Tóm cái dzáy lại, nói hoành tráng vậy thôi chứ mấy điều trên chỉ áp dụng cho mấy cha mẹ ham đi, từng đi, từng trải nghiệm như con này. Chứ cha mẹ mà ít đi hoặc không bao giờ đi thì đố mà dám cho con mình đi. Thề!

Show CommentsClose Comments

Leave a comment