Mình đang học cách “cám ơn” trước những lời khen, lời ca ngợi. “Đang” nghĩa là đã bắt đầu học nhiều năm trước và vẫn đang học nha.

Có một chuyện thế này, trước khi rời một nhóm nọ, mình chúc “Giáng sinh an lành nha!” vì mình biết qua Giáng sinh mới gặp lại. Và phản ứng ngay tức thì là “không an lành nổi chị ơi!” và bla bla bla lý do. Mình cười: “Thì vậy mới phải chúc an lành chớ!” rồi mình rời đi.

Câu chuyện bé tí hin, không đáng bận tâm đâu. Nhưng nó làm mình nhớ đến một thói quen của vài (hoặc nhiều) người Việt và đã từng là của mình: từ chối ngay khi được khen, được ca ngợi.

“Em mặc chiếc áo này đẹp quá nha!” – “Ôi, xấu òm, không phải là cái đẹp nhất đâu”.
“Anh giỏi quá!” – “Giỏi gì đâu, lắm người giỏi hơn anh”.
“Chị thật khéo tay!” – “Chuyện vặt ấy mà!”
“Cô thật trẻ trung” – “Trẻ gì đâu, Uxx rồi đó!”

Nghe quen không? Dù người ta khen xã giao hay ca ngợi thật lòng thì hai tiếng “cám ơn” có khó gì đâu hè? Từ chối làm gì? Để mong được người ta khẳng định lại lời khen một lần nữa?

“Em mặc chiếc áo này đẹp thật mà! Áo đẹp, em lại hợp kiểu dáng…”
“Anh giỏi thật mà, có mấy người làm được như thế đâu…”
“Chị khéo tay thật, em còn chẳng cắt được tờ giấy ra hồn…”
“Cô trẻ thật đó. Ở tuổi cô nhiều người không được như cô đâu…”

Vậy là chúng ta đang từ chối để lại được nghe khen lần nữa? Có tham quá không?

Hay là chúng ta không quen cám ơn?

Mình học cách cám ơn khi được khen tặng từ lâu qua một câu nói (chả nhớ ai nói) rằng là người phương Tây (chắc là Mỹ, mình không nhớ), người ta “thank you” ngay khi được khen, còn người Việt mình toàn từ chối.

Tặng mà bị từ chối thì người tặng cũng tổn thương chớ. Lần sau người ta chả tặng cho nữa mà từ chối.

Giả như câu chuyện lúc đầu tiếp nối câu chúc của mình là “Em cám ơn, chị cũng vậy nha / chúc chị Giáng sinh an lành, nhưng mà Giáng sinh này em bận… bla bla bla” thì chắc giờ tui chả có gì để nói, ha ha…

Thôi đi ngủ, lảm nhảm quá. Mai lại dậy trễ quên giờ train khách thì bm. Các mẹ khen đi, mai tui dậy cám ơn

Show CommentsClose Comments

Leave a comment