Mình đang tham gia một workshop 8 buổi về “healing” (chữa trị, điều trị) cảm xúc. Mục đích chính của workshop là giúp mình nhận ra và chữa lành những vết thương của đứa trẻ bên trong mỗi người. Workshop này không phải là phương pháp chữa trị đầu tiên của mình. Mình đã áp dụng rất nhiều phương pháp, cách thức khác nhau từ cả chục năm nay, sau khi nhận ra bản thân mình là nạn nhân của bạo lực gia đình.

Mấy nay câu chuyện bé gái 8 tuổi bị hành hạ cho đến chết được chia sẻ nhiều. Mỗi người nhìn một góc độ khác nhau. Có những bài mình lướt qua, có những bài mình đọc kỹ. Nhưng rồi cũng không biết nói gì cả cho trường hợp của bé gái đó. Vì bé không phải là nạn nhân duy nhất của bạo hành trẻ em, cả về thể chất lẫn tinh thần.

Nếu hỏi mình có từng bị ba/mẹ đánh, la mắng không, mình dám chắc nịch là có. Đứa trẻ nào chả bị đánh. Riêng mình thì bị má đánh nhiều hơn ba đánh. Ba đánh một lần là nhớ đời luôn. Nhưng có lẽ những lần đánh vào cơ thể đó không làm tổn thương một đứa trẻ cho bằng những lần nó chứng kiến ba nó đánh đập, mắng nhiếc, sỉ nhục mẹ nó. Hay lúc mẹ một tay kéo nó, một tay bồng đứa em nhỏ xíu chạy trốn khỏi ba đang rượt theo bằng một cây chống cửa bằng tre to dài. Hay lúc ba nó xỉn vào rồi vác dao vác rựa đánh người ta. Những đêm mất ngủ vì tiếng la hét, chửi bới ở phòng bên.

Đứa trẻ có tổn thương không? “Xời, trẻ con mà, biết gì chuyện người lớn!”, “Trẻ con thôi mà, lớn quên ngay!”, “Con nít biết gì, với lại có bị đánh đâu”… có lẽ là những câu trả lời phổ biến hoặc những biện hộ của người lớn cho hành động bạo lực của mình. Nhưng không, người lớn chúng ta đã lầm. Chính vì chúng là trẻ con nên chúng sẽ ghi nhớ những sự kiện đó suốt phần đời còn lại, và sẽ trở nên như bản sao của những hành động đó.

*

Khi lớn lên một chút, mình đánh các em rất nhiều. Tụi nó không làm việc nhà, đánh. Tụi nó làm không đúng ý, đánh. Tụi nó đi chơi ở nhà hàng xóm, đánh. Mình toàn đánh bằng chổi, bằng roi mây. Đánh tan nát. Bắt tụi nó nằm dài lên ghế rồi quất vào mông. Lúc ấy mình chỉ biết đánh vì cần dạy dỗ chúng, cho chúng nên người. Mãi sau này, khi bắt đầu hành trình “healing”, mình mới nhận ra hành động đánh em đó xuất phát từ những tổn thương do bạo lực lúc còn nhỏ chứ không hề là mục đích dạy dỗ tốt đẹp nào cả.

Đó chỉ là một trong những hậu quả của bạo lực gia đình, nhưng may mắn là mình vẫn còn thời gian và cơ hội để thay đổi. Mình không còn đánh ai lâu lắm rồi, kể từ khi nhận ra và chữa trị. Mà thật ra, chắc chẳng còn ai để mình đánh. Một hậu quả khác thì vẫn còn kéo dài đến bây giờ, dù mức độ nghiêm trọng có giảm.

*

Mình hay đùa là mình khó tính quá nên ế chỏng ế chơ. Nhưng thực sự là mình chọn sống độc thân chứ không phải ế. Và lý do là vì mình thấy sợ hãi hôn nhân mặc dù chưa từng trải qua một cuộc hôn nhân thực sự nào. Điều mình trải qua chỉ là bạo lực trong hôn nhân suốt quãng đời thơ ấu. Và nhiêu đó cũng đủ khiến đứa trẻ bên trong mình rùng mình sợ hãi khi nghĩ đến hôn nhân. 

Và mình sợ cả việc có một đứa con. Đó không chỉ đơn thuần là chuyện mang nặng đẻ đau hay lo ăn, lo học. Đó là nỗi sợ lặp lại hành vi bạo lực của mình trên đứa trẻ, rồi lại sinh ra một thế hệ lớn lên trong bạo lực. Không ai biết được, mình cũng hoàn toàn không biết được, chúng ta sẽ như thế nào trong tương lai, phụ nữ sẽ thay đổi tính tình như thế nào khi mang thai. Mầm mống của bạo lực có sẵn trong con người của mình. Dù đã chữa trị, điều trị, mình vẫn không tin nó biến mất mãi mãi. Và giờ, mình vẫn chưa đủ tình thương để dành cho một đứa trẻ.

**

Cô bé 8 tuổi đáng thương kia đã bị tước đoạt quyền được sống. Nhưng mình không dám chắc, liệu nếu cô bé ấy còn sống và lớn lên, cô ấy sẽ trở thành người như thế nào. Em bé dễ thương, hiền lành, ngoan ngoãn đó hoàn toàn có thể trở thành một phụ nữ bạo lực, hung tàn, độc ác hoặc là một người khuyết tật về tinh thần, tâm trí. Ít bạo lực hơn, em có thể trở nên trầm cảm, ù lì, rụt rè, xa lánh xã hội và người chung quanh. 

Người “dì ghẻ” kia thì rõ là đáng bị trừng trị thích đáng và lên án rồi. Nhưng có ai nghĩ cô ấy cũng là một sản phẩm của bạo lực gia đình hay một tuổi thơ bị hành hạ? Không một đứa trẻ được yêu thương, nâng niu nào lại lớn lên bạo lực, hung tàn cả. Ở tuổi 26, mình vẫn chưa thực sự nhận thức được những hành động của đứa trẻ bên trong mình, các bạn ạ. (Mãi đến hai năm sau đó mình mới bắt đầu hành trình chữa lành).

**

Những trường hợp như mấy hôm nay không phải là hiếm. Chúng ta có thể tiếc thương cho cô bé 8 tuổi ấy, chúng ta có thể lên án cô gái 26 tuổi kia, nhưng hãy nhớ rằng chung quanh chúng ta còn rất nhiều cô-bé-8-tuổi khác, rất nhiều cô-gái-26-tuổi khác ở những cấp độ, nhân dạng, vai trò khác nhau. Hãy lên tiếng cả cho họ nữa! Nếu không, tương lai sẽ có những cô-bé-8-tuổi bị hành hạ rồi lớn lên thành những cô-gái-26-tuổi.

Và chỉ đừng nhìn chung quanh, hãy nhìn ngay trong gia đình mình. Bạn có đánh con không? Bạn có dùng bạo lực với con không? Bạn có cãi nhau, đánh nhau, chửi bới nhau trước mặt con? Thậm chí, bạn có chửi người khác trước mặt con không? Những single mom/dad, bạn có nói xấu ba/mẹ của đứa trẻ khi họ vắng mặt không? Bạn có bao giờ nói con (dù đùa) rằng con là gánh nặng, là nỗi lo, là người thừa không? Phận làm cha mẹ, nếu còn không thể yêu thương con thì đừng trông chờ người khác (cha/mẹ kế, bảo mẫu, người giúp việc, cô giáo, ông bà…) yêu thương con mình.

**

Mình may mắn được ơn trên soi sáng nên sớm được chữa lành. Nếu không, mình chẳng biết tính cách mình ra sao ở cái tuổi này. Nhưng không phải ai cũng may mắn như mình.

Show CommentsClose Comments

Leave a comment