“Quẳng gánh lo đi mà vui sống” (“How to Stop Worrying and Start Living“) là tên cuốn sách nổi tiếng của Dale Carnegie. Ông này cũng là tác giả cuốn self-help kinh điển “Đắc nhân tâm” (“How to Win Friends and Influence People“). Mà thôi, nói thừa quá. Quay lại chủ đề chính.
Một ngày bình thường trong cơn “khủng hoảng”, mình được tặng cuốn “Quẳng gánh lo đi…” phiên bản bỏ túi (pocket size, 377 trang) kèm lời nhắn: “Hope this helps to solve your problem” (“Liệu mà đọc cho hết, đọc xong thì lo mà thoát cái vấn đề đó đi“, tui dịch. Đừng nghe). Cầm quyển sách mà không biết bắt đầu từ đâu, vì… lười đọc và vì nghĩ cuốn này chắc… vớ vẩn kiểu dạy đời. Tui lại chả ưa mấy thể loại đó. Lì! Vậy mà vẫn đọc. Đọc để… báo cáo.
Cha mạ ơi, lần đầu tiên đọc cuốn sách mà tưởng nó đang viết về mình, cho mình và giúp mình giải quyết các vấn đề của mình. Mới có mấy phần đầu thôi đó. Thế là say sưa đọc hết phần này sang phần khác. Sách này phù hợp với nhiều người, nhất là những người đang gặp nhiều vấn đề khó khăn trong cuộc sống. Những người còn lại hẳn sẽ thấy sách này không hay. Mà phần lớn chúng ta thuộc nhóm “có vấn đề” dù mức độ này hay khác.
Đọc mới hơn một phần tui đã quyết định “thay đổi đời mình”. Diễn sâu tí thôi. Tui quyết định đối diện với vấn đề của mình. Đâm thẳng vào nó. Đi xuyên qua nó. Mình phải tự cứu mình. Thế là tui lập kế hoạch đối đầu với chứng trầm cảm một cách chi tiết, rõ ràng. Kết thúc cuốn sách sau hơn một tháng, kế hoạch “nhắm thẳng quân thù mà… húc” cũng tròm trèm 3 tuần. Tạm ổn.
Vì là dạng sách self-help nên cũng dễ đọc và theo dõi. Không cần đọc theo thứ tự. Cuối mỗi phần đều có tóm tắt cho dễ nhớ.
Có thế nên tui quyết định tặng sách này cho mấy bạn trong công ty với hai điều kiện (không tiết lộ đâu). Mong sách giúp các bạn giải quyết vấn đề của các bạn.
Hết “rì-view” sách rùi đó. Đến phần p/s nhé.
Tui phát hiện bản e-book cuốn này dài hơn bản pocket của tui. Nó có 3 phần mà trong cuốn của tui không có:
1. Để quyển sách này mang đến kết quả tốt nhất đưa ra 9 “bí kíp” đọc sách.
2. Phần 5: Một phương cách tuyệt vời để chế ngự lo lắng: lấy niềm tin làm điểm tựa. Phần này đề cập đến việc chúng ta nên học cách cầu nguyện. Khi gặp vấn đề trong cuộc sống mà không thể giải quyết, hãy tìm đến Đấng Toàn năng, Ông Trời, Thiên Chúa, Đức Phật… để cầu nguyện, để được lắng nghe.
3. Phần 8: 31 câu chuyện có thật về chế ngự lo lắng kể 31 câu chuyện khác nhau. (Lúc viết bài này thì tui chưa đọc).
Bản in lớn khổ 14.5×20.5cm và 314 trang tui tặng các bạn cũng không có mục số 2 và số 3.
Lần này hết thiệt.