Nào giờ xin việc mới cần kỹ năng chứ nghỉ việc thì cần gì kỹ năng hỉ? Nhân tiện, mình không thích dùng từ “xin việc”. Mình có sức lao động, đổi lấy thu nhập, chứ chả ai xin ai cái gì cả.

Quay lại nghỉ việc. Nhiều bài viết về kỹ năng ứng tuyển công việc lắm. Chắc cũng có bài về nghỉ việc, nhưng mà mình chưa biết, nên chia sẻ theo kinh nghiệm bản thân vậy.

Trước khi đi vào chi tiết, mình chỉ tóm lại một câu thôi: trừ khi bạn bị đuổi việc, hãy nghỉ việc một cách thanh lịch nhất.

• Lý do nghỉ việc là gì?

Xác định rõ tại sao mình muốn nghỉ việc. Muốn tăng lương nhưng không được? Có mâu thuẫn với đồng nghiệp? Không hài lòng với sếp? Không phù hợp với công việc như mong muốn? Muốn thay đổi môi trường mới, công việc mới, thay đổi định hướng? Không thấy được cơ hội thăng tiến?…

Dù bất cứ lý do gì thì cũng cần trao đổi trực tiếp và thẳng thắn với cấp quản lý để tìm ra được giải pháp phù hợp. Nếu không có giải pháp, ít nhất bạn và công ty cũng nhận ra “chúng ta không thuộc về nhau” lúc này. Sếp có thể hỗ trợ bạn tìm một công việc phù hợp nếu thực sự lý do nghỉ việc của bạn thuyết phục và hợp lý.

Đừng bao giờ lấy lý do về quê để nghỉ việc hoặc nghỉ việc xả stress, đi lu lịch này nọ rồi ngay sau đó bạn “check in” ở một công ty mới. Đây là lý do phổ biến nhất của mấy bạn trẻ mới đi làm. Bạn có thể không biết bạn đã “vinh dự” được đưa vào danh sách đen của nhà tuyển dụng đâu. Đời thì dài nhưng khoảng cách giữa các nhà tuyển dụng thì ngắn.

Phải chắc chắn mình thật sự muốn nghỉ việc dù bất cứ lý do gì. Đừng giả bộ xin nghỉ việc chỉ vì không được tăng lương, rồi sau đó sếp bảo sẽ tăng lương, thế là ở lại làm việc tiếp. Chúc mừng bạn vì khoảng thời gian sau đó của bạn sẽ được giám sát kỹ hơn, công việc nhiều hơn, bị để ý kỹ hơn, dễ bị soi mói hơn. Chả ai cho không ai cái gì cả đâu.

• Thông báo nghỉ việc

Sau khi trao đổi vấn đề nhưng không giải quyết được và bạn vẫn quyết định nghỉ, hãy thông báo qua email cho nhân sự, cc sếp trực tiếp, đúng quy định trong hợp đồng lao động (trước 30 ngày, 45 ngày…). Đừng trễ hơn số ngày quy định vì có thể bạn sẽ bị gây khó dễ và/hoặc sẽ tạo hình ảnh không tốt sau này. Đó là sự chuyên nghiệp.

Như mình nói ở trên, việc đi làm là sự hợp tác, nên bạn không cần phải “xin nghỉ việc”. Chủ đề email của bạn có thể là:

Thông báo nghỉ việc từ ngày xx/xx/xxxx
Thông báo kết thúc công việc XYZ từ ngày xx/xx/xxxx
Tôi sẽ kết thúc công việc XYZ từ ngày…

Hoặc một số câu tương tự. Lý do nên có ngày tháng trên tiêu đề là để người nhận nhận thức được thời gian, mở email đọc sớm và giải quyết sớm cho bạn.

Nội dung email nên ngắn gọn, xúc tích. Vì lý do nghỉ việc cụ thể đã được trao đổi trước đó nên bạn không cần màu mè hoa lá hẹ trong emaill kiểu như “nhớ ngày đầu em mới đến công ty, lá vàng rơi…”, “em cảm thấy mình gắn bó với công ty…” (chả ai gắn bó mà bỏ đâu), “các anh chị như người trong gia đình…” (cũng chả ai bỏ gia đình cả). Kết thúc là kết thúc, đừng dùng dằng.

• Bàn giao công việc

Sau khi thông báo rồi thì lên kế hoạch bàn giao. Kế hoạch phải được viết ra chứ không nằm trong đầu: khi nào bàn giao thứ gì cho ai. Tệ nhất là nghỉ làm rồi để lại hậu quả cho người sau vì sự vô trách nhiệm của mình.

Bàn giao rõ tình trạng công việc (việc gì, làm đến đâu, với ai, tiếp theo là gì, khi nào xong…), các tài sản của công ty (email, password, máy tính, hồ sơ…), thông tin các khách hàng, đối tác (tên, số điện thoại, email, địa chỉ, thậm chí là tính cách…). Ghi thành tài liệu rồi thì nên sắp xếp một hoặc vài buổi gặp trực tiếp để nói rõ hơn, và để người nhận bàn giao có thắc mắc. Tránh tình trạng bàn giao qua loa, người ở lại cũng không hiểu cần phải làm gì. Rất vô trách nhiệm.

Nếu bạn làm nhiều năm, không cần bàn giao chi tiết hết toàn bộ công việc của các năm. Việc nào xong rồi thì bàn giao ghi đã xong. Việc nào đang làm thì bàn giao kỹ càng. Nếu bạn mới làm và không có nhiều việc thì cũng bàn giao số việc đang làm.

Các bạn mới thường hay biện hộ rằng họ không được bàn giao lúc vào đây làm thì họ cũng không cần bàn giao lúc nghỉ. Đây là kiểu làm việc thiếu chuyên nghiệp lắm luôn. Chuyện của bạn là lỗi người trước. Người ta vô trách nhiệm không có nghĩa bạn cũng vô trách nhiệm giống người ta!

Sẽ có trường hợp không ai chịu nhận bàn giao hoặc nhận để đó chứ không thắc mắc gì thêm. Hãy hỏi sếp, trao đổi và sắp xếp. Nếu ngay cả sếp cũng ngó lơ thì việc bạn cứ làm. Gởi bàn giao qua email và/hoặc in ra, yêu cầu ký nhận. Nhớ bàn giao sớm để người nhận còn có thời gian xử lý. Đừng để đến ngày cuối quăng ra cái bàn giao sơ xài rồi “quất ngựa truy phong”.

• Thông báo cho khách hàng, đối tác

Làm việc với ai thì gởi email cho người đó, cc cho sếp và/hoặc người tiếp tục công việc của bạn. Thông báo bạn sắp nghỉ, và người tiếp tục phụ trách, để khách hàng / đối tác không cảm thấy bị bỏ rơi hoặc lo lắng cho dự án của họ sắp tới.

Hành xử chuyên nghiệp còn giúp cho bạn giữ được quan hệ tốt với khách hàng/đối tác. Trong tương lai biết đâu còn gặp lại. Đừng để mình trở thành nỗi ám ảnh của họ.


Đây là kinh nghiệm của mình, với vai trò là người lao động và chủ doanh nghiệp. Hy vọng giúp ích nhiều cho các bạn, nhất là những bạn trẻ mới đi làm, trong việc trở thành một người chuyên nghiêp.

Show CommentsClose Comments

Leave a comment