Tết cổ truyền là thời gian mà ai, dù ở đâu, cũng muốn trở về nhà. Nhà là quê. Nhà là nơi có ông bà, ba mẹ đang chờ. Nhà là nơi chứa những ký ức tuổi thơ. Nhà là nơi phần lớn trong chúng ta lớn lên và trưởng thành. Có lẽ vì “nhà” có quá nhiều ý nghĩa nên Tết luôn là khoảng thời gian tranh thủ trở về.

Tết nhà mình 1994

Mình cũng về nhà. Và cám ơn những ngày rộn ràng này để mình hồi tưởng lại “nhà” của mình. Chứ không thì một đứa hay quên như mình thì gần như “nhà” không còn nhiều trong các nơ-ron thần kinh.

Đi lùi lại những năm cũ. Từ Tết 2016, Nhà đã không còn Ba chờ đón. Đã từng có một năm, mình stress đến nỗi không muốn về Nhà. Lúc đó chỉ muốn đi đâu đó mà không phải về Nhà. Nhưng rốt cục thì, vũ trụ cũng “bắt” mình về.

Những năm trước đó, Tết là những ngày dọn dẹp nhà cửa như bất cứ gia đình nào. Những ngày Tết đúng cực. Nhà nhiều đồ quá mà!

Rồi những năm sinh viên và mới ra trường, Tết về Nhà là những chuyến xe chở đầy đồ: nào hoa, nào quà, nào lịch, nào áo quần mặc Tết… Sinh viên về nhà mà như con buôn đi bán hàng Tết.

Những năm phổ thông, mình không nhớ gì nhiều về Tết cả. Có lẽ khi không phải “về Nhà” thì mình cũng quên mất là từng có Nhà vào những ngày Tết. Đó là những ngày Tết không nấu bánh chưng, làm bánh Tét, là những ngày không còn đốt pháo, nhưng lại bày ra làm bánh in, bánh thuẩn, mứt dừa, mứt cà chua… Trình độ làm bánh của mình thì “thượng đỉnh”: mứt thì chua không ăn được, bánh in thì để tận đến tháng Chạp rồi… vứt vì xáng chó chó chết. Các loại bánh, mứt đó làm đúng một lần trong đời và không bao giờ lặp lại. Tại lúc đó còn chưa biết mình “thù” bếp núc.

Năm 1993, cái Tết đầu tiên trong đời chỉ với gia đình nhỏ, chỉ có Ba, Má và các em. Những cái Tết trước đó, “Nhà” là ông bà Nội, là các cô chú rất đông vui. Là những ngày các cô mang mền mùng ra giặt ở cái sân quanh giếng trong những cái thau rất to. Là những ngày xem các cô làm mứt dừa, mứt gừng, các loại bánh, rồi cũng học từ đó mà học không ra hồn.

Là những ngày đu theo ông Nội và mấy ông trong xóm gói bánh chưng, bánh tét; mỗi ngày đến nhà một người. Là hóng mấy chú để được ngồi trông nồi bánh to tổ bố mà sau này đem ra làm thùng đựng nước. Là nghe mấy chú nói nấu bánh tính bằng ngày chứ không phải bằng giờ, để con bé chưa tròn chục tuổi lại lủi thủi đi ngủ mà chỉ sợ bánh chín mà không có mình.

Là những ngày nhìn ông Nội và các chú lặt lá cây mai. Chời ơi, cây mai to tổ nái! Sau này, Ba mình giữ cây mai đó thêm được chừng chục năm, rồi cũng phải chặt bớt, dời đi chỗ khác để xây nhà. Mà chắc một phần, nhà mình nhiều “Mai” quá rồi.

Là những ngày lò dò theo ông đi phơi pháo rồi chờ ông treo lên cao 4-5 mét. Ông bảo pháo được phơi khô thì nổ giòn hơn. Cứ đến tối 30, sáng mồng Một là cả nhà cho nổ pháo đì đùng, báo hiệu kết thúc năm cũ, và năm mới vừa đến. Đúng những lúc “linh thiêng” đó thì mình chỉ chờ cho pháo nổ xong để đi lượm pháo tẹt, rồi với mấy đứa trong xóm đập cho nó nổ. (Giờ mà đứa cháu nào chơi “ngu” vậy chắc má Hai nó mắng hết mồng!)

Là những sáng mồng Một nhận được rất nhiều lì xì. Nhà thì đông, mà cháu thì ít cơ mà. Là những ngày xúng xính áo quần đẹp cả ba Mồng, ra đường thì vừa khô, vừa gió, vừa nắng nhưng rất thích, vì được đi chơi thoải mái, vì có tiền, vì được mang tiền của mình ra đầu đường mua ly nước mía mà không phải xin ai.

Tết chưa bao giờ thay đổi. Chỉ có chúng ta là thay đổi. Chúng ta đã lớn lên với những nhận thức khác. Còn Tết vẫn thế. Vẫn là quần áo xúng xính của lũ trẻ, vẫn là những chộn rộn, lo lắng của người lớn, vẫn là bánh chưng, bánh tét… Và vẫn là dịp để những đứa con trở về Nhà.

Hãy về Nhà, nếu bạn vẫn còn Nhà. Về Nhà mới thật sự là Tết.

Thương,

Show CommentsClose Comments

Leave a comment