Tại mình thích số 7 thôi chứ không có gì. À, với lại mình vừa hoàn thành chuyến leo núi 7 ngày lên Annapurna Base Camp (ABC), một cung trek nổi tiếng và phổ biến ở Nepal. Đi lên nghía dãy núi tuyết Annapurna Sanctuary gồm nhiều đỉnh núi và viết caption “sáng thức dậy ở một nơi xa” chứ không có gì. À lần nữa, thật ra là có.

Panorama dãy núi. Bên ngoài nhìn hùng vĩ hơn

1. Đường từ Kathmandu (Kat) qua Pokhara (Pok) siêu xấu, siêu bụi, siêu kẹt xe

Mình đến Kat vào buổi tối nên cũng không nhìn thấy rõ đường phố. Sáng hôm sau đi xe đò đến Pok mới thấy thành phố bụi kinh khủng. Ra khỏi thành phố vẫn bụi dài dài đến Pok. Bụi trắng mịt mù. Cây xanh phủ màu bụi. Đường đi có nhiều đoạn đang làm nên góp phần lớn thêm bụi. Mặc dù ngồi trong xe kín nhưng người cũng không tránh khỏi bụi bám. Vụ này cuốn Lonely Planet cũng có nói.

Một toa-lét công cộng trên đường đi. Tây Ta Âu Á gì có đủ
Thấy mấy anh bộ đội đi trên đường phố Kathmandu

Đường này mà xe chạy qua là bao hốt trọn bụi lên người
Chở dê trên nóc xe. Giống Việt Nam năm một chín hồi đó ha?

Ngoài bụi thì đường cũng rất dằn xóc. Chiếc xe đò liên tỉnh cũ kỹ hết lắc bên này, lại ngã bên nọ, rồi xóc bên kia… Nói chung đoạn đường có 200 “cây sấu” mà đi mất gần 9 tiếng là biết ha!

Mà không chỉ đường đó. Đoạn trek ngày đầu cũng bụi không kém. Tối đến nơi nhúng bộ đồ vô xô nước mà nước đổi màu ngay lập tức.

Còn kẹt xe thì vãi hơn cả Sài Gòn. Từ Pok về lại Kat, mình được đi chiếc xe sang. Chỗ ngồi rộng rãi, ghế to, có bàn ăn, xe kín, máy lạnh. Tưởng vậy là ngon ăn. Gần đến Kat kẹt xe một hàng dài trên đèo. Hơn 10 tiếng mới đến Kat. Rồi từ bên xe vô khách sạn kẹt tiếp. Hôm sau đi city tour mà phải hủy giữa chừng vì kẹt xe. Quá mệt!

Bến xe khách tại Pokhara

Hành trình bụi bặm ngày đầu từ đây.

Tips

Mang theo khẩu trang không bao giờ là thừa. Dân ở đây cũng phải mang khẩu trang. 

– Di chuyển giữa hai thành phố mất khá nhiều thời gian bằng xe. Đừng lên kế hoạch các hoạt động trước và sau đó quá sát sao. 

Ai muốn di chuyển như dân địa phương thì đi xe đò, cái loại xe liên tỉnh như VN dành cho dân ít tiền đó, hoặc xe cao cấp hơn tí như lúc mình đi về. Còn không thì cứ máy bay, 30 phút là đến.


2. Thời gian chuẩn bị bữa ăn siêu lâu, ăn siêu trễ, món ăn siêu to

Trên đường bay đến Kat, mình đọc nhanh cuốn Lonely Planet Nepal, thấy người Nepal ăn sáng rất trễ. Họ thức dậy, chỉ uống trà. Đến 9, 10 giờ sáng mới ăn sáng. Ăn tối gần giờ ngủ. Qua đây đúng thật.

Bữa ăn đầu tiên là ăn sáng ở khách sạn thì ăn sớm để đi. Nhưng đi mãi không thấy dừng ăn trưa. Té ra là đến hơn 2 giờ chiều mới dừng. Đói vãi lúa! Mấy hôm đi trek cũng ăn trưa trễ vậy, dù họ đã điều chỉnh thời gian cho khách du lịch.

Bữa ăn trưa trên đường về lại Kat cũng là thử thách. Ở khách sạn, ăn sớm khoảng 7 giờ, lên xe, xe chạy đến khoảng 10 giờ dừng cho khách ăn sáng. Sau đó lại chạy tiếp đến gần 13 giờ mới dừng cho khách ăn trưa. Khoảng cách hai bữa ăn của mình thật vời vợi!

Bữa ăn truyền thông của Nepal. Ăn thì ngon nhưng ăn nhiều thì ngán

Mỗi lần ăn là chờ 1 – 1,5 tiếng. Đói rã rời vẫn chờ. Ăn buổi nào cũng chờ. Chờ riết quen. Có hôm guide dặn ở luôn trong phòng, khi nào có đồ ăn sẽ gọi, để khỏi phải chờ. Có hôm dừng ăn trưa chờ có 15 phút, ngạc nhiên quá đỗi! Đó là bữa ăn duy nhất không phải chờ lâu. Đến Pok vẫn chờ nha.

Một phần ăn ở đó như cơm chiên, mì Ý, sandwich… to bành ki. Sức của nam ăn là siêu no. Còn nữ là phải chia hai. Mấy bữa ăn đầu còn dư chứ sau có kinh nghiệm nên chia nhau. Cũng còn dư ít nhưng ổn.

Tips:

Mang theo đồ ăn nhẹ để chống đói nếu cần.

Khi order nên quan sát trước hoặc có người share chung để không bị thừa đồ ăn.Nếu khó ăn thì mang theo mì gói chẳng hạn.

Đồ ăn Nepal không phong phú lắm.


3. Cung trek siêu đẹp và mệt

View từ nhà nghỉ của đêm đầu tiên

Trước khi đi, mình nghe nói cung ABC đẹp suốt đường đi. Đi rồi mới biết đúng thật. Suốt chuyến đi giữa rừng, cây lá đang chuyển xanh sang vàng nhìn thơ mộng. Luôn có cơ hội thấy đỉnh núi tuyết Fishtail, Himalchuli nằm khuất sau rừng núi. Thác xẻ vách núi, chảy ào ào từ cao.

Dưới thấp thì ruộng bậc thang từng cấp, lúa vàng sắp gặt. Trên cao thì mây bay là là. Trời xanh ngắt. Chỉ có hôm sắp lên đến ABC thì trời hơi tù mù. Đi xuyên qua các làng nhỏ có những căn nhà nhỏ nhỏ xinh xinh trồng nhiều hoa. Nhìn chung cảnh đẹp. 

Nhưng đường đi rất mệt vì bậc thang. Đi đường trail (đường mòn) thì dễ hơn và đỡ mệt bậc thang. Vậy mà cung này rất nhiều bậc thang. Các guides bảo bậc thang đi dễ cho khách. Mẹ, mệt muốn chết. Nên sau đó mà biết có đường tắt không bậc thang là chọn ngay đường đó.

Thác nước lớn chảy ầm ầm từ đỉnh núi
Lừa rất dễ gặp trên đường. Gặp thì tránh thôi
Ruộng bậc thang trên đường đi.
Một căn nhà nhỏ xinh cheo leo bên vách núi
Sáng thức dậy ở một nơi xa. Sau đêm đầu tiên đã thấy được đỉnh núi tuyết
Một căn nhà khác cũng cheo leo vách núi với nhiều chậu hoa xinh xắn.
Nhìn một màu xanh mát mắt.

Mặt trời lên chiếu xuống núi, nhìn ngoài đẹp mê hồn.

Cung đường đẹp, luôn có cơ hội thấy đỉnh núi tuyết.
Rừng chuyển sang vàng. Nhìn bên ngoài đẹp hơn.

Đồi núi chập chùng nhìn mê hoặc.
Cầu treo dài hơi dài, nhìn sợ nhưng đi không sợ.

Tips:

Một chiếc điện thoại chụp hình đẹp, góc rộng hoặc một chiếc máy ảnh con con tương tự (Gopro chẳng hạn) để không bị mất khoảnh khắc nào. Cảnh đẹp mà máy chụp xấu (như máy mình) thì hơi ức chế.

Nên dành thời gian ngắm hơn là chụp vì cảnh có đẹp kiểu gì cũng không chụp lên hết được sự hùng vĩ của nó. Chưa kể lo chụp nhiều sẽ bị chậm lại hoặc bị té/ngã do đường xấu.

Ngoài ra, bạn còn phương án đi trực thăng. Chỉ mất 12-15 phút là lên đến nơi (thay vì 4 ngày trek như mình). Giá mình không rành nhưng nghe guide nói khoảng 3,000USD/giờ/chiếc 4-5 người. Bạn muốn đi trực thăng thì tìm hiểu thêm nha.


4 .Khu vực Annapurna Sanctuary siêu thực

Sáng thức dậy ở giữa các đỉnh núi tuyết. Nhìn 360 độ toàn núi tuyết. Cảm giác thật “phê”. Các đỉnh núi cao thấp khác nhau trắng xóa một vùng, muốn ngắm hoài thôi. Lúc nắng lên, cha mạ ơi, nhìn ảo vãi! Đẹp không máy ảnh nào tả được. Chỉ ngắm thôi.

Độ cao ABC thì “chỉ” 4,130m thôi, nhưng đỉnh cao nhất là Annapurna One thì cao đến 8,091 mét. Nó là đỉnh cao thứ 10 trên thế giới và là cao nhất tại Annapurna Sanctuary. Ngoài ra còn có đỉnh núi thiêng không ai được phép lên Fishtail, rồi các đỉnh Annapurna Three, Annapurna South… Tóm lại đỉnh nào cũng đẹp.

Sáng thức dậy nhìn cảnh này, chu choa, nó đẹp mê hồn. Chụp lên hình nhìn không đẹp bằng ở ngoài đâu. Nó hùng vĩ, sừng sững.

Tips:

Vẫn như trên, máy ảnh đẹp. Biết chọn góc chụp.

Và thêm áo quần đẹp để sống ảo nhưng nhớ là phải giữ ấm, vì nhiệt độ có thể âm.


5. Sức khỏe siêu tốt

Nhìn kỹ cái đường mòn xa xa kia nha. Tui vừa qua khỏi đoạn đó và hôm sau về lại đoạn đó. Nhìn thôi đã sợ. Không biết sao mình đi khỏe dữ!
Đường chủ yếu đá thế này.

Ok, đi trek thì cần sức khỏe là đúng. Riêng với cung này, bạn cần sức bền để đi xa, sức mạnh để mang vác, vì càng đi thì ba lô càng cảm giác nặng. Cung này đi 7 ngày liên tục, mỗi ngày đi 7-9 tiếng lên xuống lên xuống với chiều dài mỗi ngày mười mấy hai chục cây. Nói vậy để biết bạn cần sức khỏe thế nào.

Trong đoàn có bạn “newbie” chưa từng đi trek, không tập luyện, ngay ngày đầu đã bị vấn đề với cơ đùi, thiếu điều nằm một chỗ. Bạn ấy vật vã qua ngày thứ hai, tưởng bỏ cuộc vì nghe guide nói có thể sẽ phải để bạn lại rồi đón khi đi xuống, nhưng cuối cùng bạn cũng đi hết.

Chưa kể, khi lên cao, không khí loãng hơn, nhiệt độ thấp hơn, cơ thể dễ bị thiếu oxy, đau đầu, chóng mặt. Mình thì không có vấn đề về hơi thở, chỉ là hơi đau buốt đầu lúc ở ABC. Khi đi xuống vùng thấp thì đỡ. Với lại chảy mũi nhẹ. Các bạn khác bị khó thở, nhức đầu kéo dài, không ngủ được, kể cả đàn ông.

Sáng hôm còn ở ABC, có trực thăng đến cấp cứu một chị gái (có lẽ là người Hàn) vì lý do cụ thể gì thì không biết, nhưng thấy chị được một người cõng, một người cầm bình oxy cho chị thở và một người xách hành lý. Nhìn thôi thấy sợ.

Đoạn đường cũng gập ghềnh.
Hello, I’m still fine! =]]
Đi bậc thang xuống, rồi qua cầu treo, rồi đi đường mòn…

Tips:

Tập luyện trước khi đi không bao giờ là thừa. Với những người tập luyện thường xuyên thì cứ duy trì đều đặn cho đến ngày đi, không cần tập thêm nhiều. Với những người chưa từng tập thì nên tập trước 2-3 tháng, hoặc phải dạng người hay đi bộ, leo thang.

Bổ sung vitamin nói chung hoặc vitamin C mỗi ngày. Uống nhiều nước.

Có thể uống thuốc giảm đau và/hoặc dùng Salonpas mỗi tối để dễ chịu hơn vào sáng hôm sau.


6. Thời tiết siêu yêu

Buổi sáng ngày đầu tiên thì bụi mịt mù đường đi nên hơi cực vì bụi, chứ các ngày sau thời tiết ổn. Nắng đẹp. Mấy ngày trek được cái trời không mưa. 

Chiều ngày thứ tư lúc lên gần đến ABC, mây mù mịt, trời xám xịt. Tuyết rơi. Cứ tưởng sáng mai thời tiết sẽ xám ngắt như thế. Mà ai dè đẹp không tưởng. Nhất là lúc mặt trời lên rọi thẳng vào dãy núi. Chu choa mẹ ơi, lạnh lắm cũng ráng chạy ra coi, xong chạy vô nhà ăn cho ấm, xong lại chạy ra coi…

Chuyến đi này hơi cực nhưng đáng. Vừa được thấy tuyết lần đầu trong đời, vừa được ngắm bình minh trên dãy Annapurna.

Lần đầu tiên thấy tuyết <3
Trời trong xanh, mây trắng, điểm chiếc trực thăng đỏ. Đẹp!
Đường đi nắng đẹp
Chụp ngược sáng nhưng đẹp quá.

Tips: Thời tiết là chuyện của trời, nên không biết có “tip” gì.

Trang phục nên linh hoạt để dễ bề thay đổi theo thời tiết. Áo mưa hoặc áo chống nước, áo ấm, găng tay nên để sẵn trong túi mang theo, không nên gởi porter.

Mình mặc một bộ duy nhất suốt chuyến. Quần chống nước & áo giữ nhiệt mau khô. Tối giặt, sáng khô. Khi lạnh thêm áo nỉ, hết lạnh cởi ra.

Giày một đôi chống nước, rộng hơn một size là ổn.

Nhớ kem chống nắng và che mặt, đặc biệt khi nắng lớn. Nắng trên núi cao “ăn da” nhanh lắm. Lúc đi xuống ngày đầu (tức ngày trek thứ năm), mình bôi kem nhưng quên che, nắng “ăn” rát mặt.


7. Đoàn trek siêu nhắng và siêu cute

Lúc đăng ký đi, mình và chị bạn đi chung, book qua GoNepal tại Việt Nam. Họ liên kết với Odea ServicesNepal. Sau đó được ghép đoàn 14 người (10 nữ, 4 nam. Nữ chiếm ưu thế ghê!). Trước khi đi, cả nhóm cũng có group chat trên Facebook nhưng không biết nhau cho đến sáng ngày trek đầu tiên. 

Cả nhóm già có, trẻ có, Sài Gòn có, Hà Nội có. Lớn nhất (hình như) 52 tuổi. Nhỏ nhất 24 tuổi. Mỗi lần ăn uống hoặc nghỉ ngơi là nói chuyện vui cười quá trời. Lần nào cũng như lần nào, cười là đau bụng. Có hơi ồn (người khác) nhưng mà vui.

Hai bạn guides và 7 bạn porters cũng rất vui vẻ, nhiệt tình. Ai đó có thể nói là vì họ đang làm dịch vụ nên phải vậy. Điều đó cũng đúng, nhưng chưa đủ. Mình thấy sự nhiệt tình, vui vẻ của họ rất thật lòng. Họ chiều lòng khách với nụ cười. Họ biết đùa giỡn đúng lúc để giảm mệt. Họ hát hò, nhảy múa. Họ nói chuyện với nhau nghe cũng vui nữa, dù mình không hiểu gì

Cả đoàn ngay tại Annapurna Base Camp vào sáng ngày đẹp trời
Điểm kết thúc hành trình đi bộ. Sau đó leo xe buýt về lại thành phố

Anh chủ Devi của Odea cũng rất tử tế. Người đàn ông có dáng người chắc khỏe, phong thái của một ông chủ của 2-3 khách sạn và 40 nhân viên đích thân ra sân bay đón khách. Rồi đến ngày cuối, ảnh mời cả đoàn bữa tối no nê, phủ phê cùng đồ ăn ngon, rượu vang, bia và shisa. Ảnh lo xe tiễn từng khách ra sân bay theo chuyến bay từng người. Ảnh check giùm tình trạng bay. Chuyện Malindo Air hủy chuyến bay của mình là ảnh đã báo trước ở khách sạn rồi, nhưng ảnh bảo cứ ra sân bay cho chắc đó.

Các anh porter dễ thương, khách cũng dễ thương luôn.
Tại một trạm dừng chân. Nhóm này luôn đến trước.
Dừng chân giữa đường đi
Điệu nhảy gà gãy cánh mừng tuyết rơi trước khi đến ABC

Tips:

Nên đi ghép nhóm và book qua công ty tour, vừa đông vui, vừa biết thêm nhiều bạn, vừa không phải lo nhiều về dịch vụ ăn ở này nọ. Những trường hợp đi lẻ vào mùa cao điểm có thể sẽ phải ngủ ở phòng ăn hoặc lều vì không có phòng.

Nhóm đông thì có thêm cơ hội biết nhiều guides & porters. Nhưng mặt trái là có thể bạn không hợp nhóm hoặc nhóm không hợp bạn. Hãy đi với cái đầu sạch sẽ và trái tim thuần khiết.


Bonus: Toàn bộ các điều trên không siêu tuyệt đối. Mình đi vào giữa tháng 10 (bắt đầu mùa cao điểm), book tour Standard rẻ tiền (ngoài ra có tour Deluxe giá cao hơn), đi 7 ngày (có các tour khác 10 ngày, 15 ngày…), nhóm 14 người, đi với Odea Services nên mới có mấy điều kể trên. Nếu bạn đi khác thì trải nghiệm sẽ khác.

Show CommentsClose Comments

Leave a comment