Buổi trưa Mồng 3 Tết Bính Thân, trong khi “dân tình” đang say sưa giấc ngủ trưa thì tui tranh thủ kết thúc “hành trình” Con Đường Hồi Giáo gần 4 tuần (thật ra vì đã ngủ lúc sáng rồi chứ chẳng hay ho gì, he he). Tính ra thì cuốn này tui đọc khá nhanh so với nhiều cuốn khác, dù không nhanh bằng Tôi PR cho PR.

Con duong Hoi giao book - sach - 01
Ảnh: http://chuyennham.com/con-duong-hoi-giao/

Tui bắt đầu cuốn sách khi ngồi trong salon làm tóc. Biết thế nào cũng mất nhiều thời gian làm đẹp nên tui mang theo cuốn sách cho đỡ buồn. Và những con chữ thú vị của “nữ tác giả liều mạng” (tui tự gọi) Phương Mai khiến tôi khó bỏ được hành trình hơn 300 trang sách.

Phần mở đầu, tác giả giải thích các thuật ngữ, không quên “dặn dò”: “Nếu bạn là cô em chồng dễ tính, chỉ đơn giản là muốn đọc một cái gì đấy cho khuây khỏa trong lúc chờ làm móng chân, thì xin cứ việc “Bỏ qua!”. Tui cũng “khuây khỏa” trong lúc chờ làm tóc, mà lại không bỏ qua. Bỏ sao được những con chữ đầy “khiêu khích” ấy. May thế mà tui biết phân biệt được mớ thuật ngữ mà tui chưa rõ lắm, chẳng hạn như:

  • Islam nghĩa là Người vâng mệnh, là tôn giáo độc thần dòng Abrahamic, cùng nguồn gốc với Do Thái giáo và Thiên Chúa giáo.
  • Islamism là Chủ nghĩa Hồi giáo, chủ trương dùng Islam làm kim chỉ nam cho toàn bộ đời sống văn hóa và chính trị của xã hội. Thuật ngữ này hiện nay được dùng theo nghĩa khá tiêu cực.
  • Islamist: Người theo Chủ nghĩa Hồi giáo
  • Muslim: Tín đồ Hồi giáo, có thể là Islamist hoặc không.

Đấy, chỉ mấy từ đấy thôi mà tui đã thấy Hồi giáo phức tạp. Trước giờ tui tưởng Islam và Islamism giống nhau nhưng mà hông phải. Đọc hết cuốn sách càng thấy hông phải. Với cả không phân biệt được Muslim và Islam. Giờ thì biết… sơ sơ.

Con duong Hoi giao book - sach - 02
Bản đồ con đường Hồi giáo “chôm” từ website www.culturemove.com/ của tác giả Phương Mai

Ba trăm trang sách với 15 chương được sắp xếp theo thứ tự hành trình qua 13 nước, từ Saudi, theo hướng Tây của Trung Đông, kết thúc ở Tây Ban Nha. Mỗi nơi đến được đặt một cái tựa miêu tả được đặc điểm hoặc bản chất tại nơi đó, ví dụ như “Oman – Truyện cổ tích không hồi kết” hoặc “Libya – Ngỡ ngàng rạng đông”. Mỗi con chữ của Phương Mai dẫn tui đến một địa điểm và học nhiều thứ về văn hóa, xã hội, chính trị và tất nhiên là cả tôn giáo tại điểm đó. Đọc xong cuốn sách, biết được nhiều thứ lắm. Dù không nhớ hết nhưng ít nhất nó cũng tích tụ được vài miếng nhỏ nhỏ trong não để khi cần thì biết chổ mà tìm.

Mục lục cuốn sách
Mục lục cuốn sách

Tóm lại thế này:

  • “Hồi giáo” là từ rất đơn giản để phát âm, rất quen thuộc, nhưng ý nghĩa, tính chất, đặc điểm thì cực kỳ phức tạp. Đọc xong cuốn sách mới thấy Hồi giáo không chỉ đơn giản là một tôn giáo, mà còn là một thể chế chính trị, mà “đụng” chính trị là phức tạp rồi.
  • Tôn giáo cũng là một khái niệm phức tạp không kém với nhóm đa thần giáo, độc thần giáo, nhân thánh giáo. Mỗi Thiên Chúa giáo, tôn giáo của tui thôi, cũng phức tạp. Trước giờ tưởng mình là người Thiên Chúa giáo thì mình hiểu, mà thật ra là không. Tín hữu của các tôn giáo đã được “tẩy não” từ khi sinh ra, khiến những hiểu biết của họ chỉ gói gọn trong chính tôn giáo mà họ theo. Phương Mai không theo tôn giáo nào, nên cái nhìn, cách viết mang tính trung lập, cung cấp một kiến thức trung lập.
  • Phương Mai là một phụ nữ rất liều mạng. Đây là từ tui dành riêng cho tác giả nữ này. Biết cô ấy là tiến sĩ ngành Giao tiếp Đa văn hóa, là người đi nhiều, đọc nhiều, hiểu nhiều về văn hóa thế giới. Nhưng mà thấy cô ấy vác thân nữ qua cái xứ bất ổn nhiều hơn yên bình thì đúng liều. Bản thân cô ấy, qua những trang viết, cũng cảm thấy lo lắng, sợ hãi ở vài địa điểm bất an, cũng gặp vài vấn đề khó khăn. Quá nể Phương Mai!
  • Đọc xong thì thay đổi cái nhìn về Hồi giáo. Cũng như trong sách có đề cập, cái nhìn về Hồi giáo từ bên ngoài chỉ là khủng bố, giết người, những phụ nữ mặc đồ đen che kín người, những ông râu ria, trùm đầu, cầm súng. Nhưng thật ra đó chỉ là một nhóm Hồi giáo cực đoan. Còn Hồi giáo chính thống thì không phải vậy. Lúc trước có người từng nói với tui về điều này, giờ hiểu thêm.
  • Đọc đến chương cuối “Tây Ban Nha – đoạn cuối một cung đường” mới hiểu tại sao một bộ phận giới trẻ châu Âu nhân danh đạo Hồi và sẵn sàng tử vì đạo. Vậy nên mới có những phần tử cực đoan, những cảm tử quân rất trẻ ngay giữa lòng Châu Âu dân chủ, hiện đại. Đọc rùi biết, chứ nói không hết.
  • Phương Mai viết thú vị, vừa viết bằng trải nghiệm thực tế, vừa viết bằng những kiến thức có được, như cô ấy viết: “Tôi chọn cách làm dâu trăm họ, tức là viết xả dàn, và tranh thủ chèn nén một vài thông tin tham khảo sâu để làm hài lòng những bà mẹ chồng khó tính”.

Tui được cho mượn cuốn này trước khi tui đi Israel, để tui hiểu thêm tí về văn hóa đất nước này. Mà mãi đến khi về mấy tuần mới kịp đọc. Dù sao, cũng đọc xong. [Clap clap clap, tự chúc mừng mình xong một hành trình]

Show CommentsClose Comments

Leave a comment