Nếu được hỏi tại sao chọn cuốn Bức Xúc Không Làm Ta Vô Can để đọc, tôi sẽ không ngần ngại: “Tò mò”. Tò mò vì thấy vài người bạn trên Facebook chia sẻ. Tò mò vì cái tựa đề. Tò mò vì cuốn này nằm trong dãy sách đọc nhiều trên Alezaa. Tò mò nên tải về. Đọc bài đầu tiên là lúc chờ được phục vụ món ăn tại một tiệm ăn nọ.

buc xuc khong lam ta vo can
Bìa sách. Ảnh: Shopee

Đọc cho đến bài cuối cùng vẫn không biết tác giả là ai. Mà quả thật, tôi chả quan tâm tác giả là ai. Tôi đọc với một tâm thế tiếp nhận một kiến thức khác mà không bị định kiến về tác giả. Ông là ai không quan trọng, quan trọng là ông viết gì. Đây là cuốn sách đầu tiên mà tôi đọc về tác giả cuối cùng. Rốt cục thì ông là Đặng Hoàng Giang, tiến sĩ kinh tế người Áo gốc Việt. Và gì nữa? Tôi chẳng quan tâm, bởi những điều ông viết đã chiếm đủ sự quan tâm của tôi.

Bức xúc không làm ta vô can” gồm 29 bài: có 26 bài viết của tác giả chia thành ba phần (mà tôi vẫn không rõ chia như thế nào), một bài phỏng vấn ông được đặt tiêu đề “Thay cho giới thiệu tác giả“, và bài cuối cùng là lời giới thiệu sách của một ông Đinh Đức Hoàng nào đó.

Cuốn sách là một chuỗi các vấn đề kinh tế, chính trị, văn hóa… quen thuộc được tác giả phân tích kỹ lưỡng từ nhiều mặt, đưa nhiều dẫn chứng, số liệu, minh họa bằng nhiều nguồn tài liệu. Quen thuộc vì chúng toàn là những câu chuyện được chia sẻ hằng ngày trên mạng. Quen thuộc vì “cư dân mạng” nào cũng biết chúng, vì họ cũng là một phần của câu chuyện.

Lại chuyện bia, thịt chó và ấn Đền Trần phân tích sự bức xúc của dư luận về việc Việt Nam là quốc gia bệ rạc, xuống cấp khi tiêu thụ 3 tỷ lít bia và 5 triệu con chó mỗi năm. Người ta la làng, chửi bới, mắng nhiếc cái xã hội này mà không biết rằng lượng tiêu thụ bia tại Úc cao gấp 3 lần VN và Hàn Quốc giết 11 triệu con chó mỗi năm.

Hay như “Quốc gia có tỉ phú đô-la, nên vui hay buồn” mượn chuyện ông Đặng Nhật Vượng, chủ tịch tập đoàn Vingroup, được lọt vào danh sách tỉ phú đô-la của tạp chia Forbes năm 2013 để nói lên lý do một vấn đề khác. Thật sự chúng ta cần thật nhiều tỉ phú đô-la hay chúng ta cần một cuộc sống ấm no, hạnh phúc, nơi mà sự phân hóa giàu nghèo không ngày càng rộng như hiện nay?

Tôn thờ sách là mê tín dị đoan” lại khai thác một vấn đề khác. “Cư dân mạng” bức xúc vì hai nghệ sĩ nọ lỡ lộ hình ảnh hậu trường ngồi lên sách. Những nhà “đạo đức học” bắt đầu lên tiếng, bắt đầu giảng dạy đạo đức về sách, về văn hóa, coi sách như một ông thánh và đọc sách như một tín ngưỡng. Tuy nhiên, rất nhiều trong số họ thậm chí quăng sách cho bà bán xôi. Một sự đạo đức hình thức.

Còn rất nhiều những câu chuyện được viết và phân tích trong sách. Tóm gọn lại, người Việt rất hay bức xúc, rất hay tỏ ta mình có văn hóa, rất hay lên mặt đạo đức, nhưng thật chất, chúng ta đang hùa theo đám đông một cách mù quáng. Chúng ta tỏ ra bức xúc như thể chúng ta nằm ngoài đám đông kia, nhưng thực chất, chúng ta không hề vô can.

Duy chỉ có quan điểm về du học trong bài “Những “hiểm họa” bất ngờ khi gởi con đi du học” là tôi không đồng tình lắm.

SG 13/3/2016

P/s: toàn bộ bài này được viết trên điện thoại.

Show CommentsClose Comments

Leave a comment