Hai hôm nay, mình nhìn cảm xúc của mình, thấy nó đang mềm nhũn như một người đang bị cảm sốt. Cái sự mềm đó nó lại chứa một sự dẻo dai, linh hoạt. Mình thấy nó mềm ra đó, nhưng nó không vỡ, không nứt, không rách. Nó như cục bột làm bánh, nhào kiểu nào rồi nó cũng dính kết nhau. Nó không giống kiểu một quả cầu thủy tinh: cứng, chắc, nhưng một tác động nào đấy vào đúng “huyệt” nào đấy cũng có thể tạo vết nứt, thậm chí vỡ. Cảm xúc của quá khứ là quả cầu thủy tinh. Cảm xúc của hiện tại đã “biến hình” thành cục bột làm bánh.
Lan man quá.
À, mà phải dẫn dắt. Vì cái sự mềm của cục bột đó mà mình muốn chia sẻ về sự đồng cảm và thấu cảm. Thật ra là muốn viết lâu rồi. Cái hình là làm từ hồi tháng Năm. Nay là tháng Tám. Rồi lười viết quá. Đến tháng Bảy, mình làm một podcast tâm sự chuyện đời, cũng có nói về bài học này, bài học của sự đồng cảm và thấu cảm, nhưng chắc chẳng ai quan tâm chuyện cá nhân của một đứa vô danh. Thế nên những bài học của nó thì là của nó chứ chẳng liên quan thiên hạ.
Lại lan man.
Thôi vào chủ đề chính. Thì mình nói định nghĩa đi. Đoạn này copy từ web:
Theo Từ điển Tâm lý học của Hiệp hội Tâm Lý Hoa Kỳ (American Psychology Association Dictionary of Psychology), các định nghĩa về đồng cảm và thấu cảm được nêu như sau:
– Đồng cảm: “là cảm giác quan tâm hoặc yêu thương xuất phát từ việc nhận thức được nỗi đau hoặc buồn phiền mà người khác đang chịu đựng.” (Sympathy: “feelings of concern or compassion resulting from an awareness of the suffering or sorrow of another.”)– Thấu cảm: “là hiểu được một người từ chính hệ quy chiếu của họ thay vì của bản thân, hoặc trải nghiệm chính những cảm giác, nhận thức và suy nghĩ của đối phương.” (Empathy: “understanding a person from his or her frame of reference rather than one’s own, or vicariously experiencing that person’s feelings, perceptions, and thoughts.”)
Tóm lại, khi bạn đồng cảm là bạn vẫn đang đứng phía đối diện của người kia nhưng khi bạn thấu cảm, bạn đang đứng cùng phía với họ. Vậy đi.
Mà để có thể thấu cảm, bạn phải có trải nghiệm giống như người đối diện. Có khi, những trải nghiệm đó phải đau. Đau lắm. Đau để bạn thực sự hiểu được cơn đau của họ. Và đau cũng là để bạn học được rằng, đừng tưởng mình đồng cảm với người khác đã là một sự ban ơn cho họ rồi. Không, không! Bạn đừng đồng hóa đồng cảm và thấu cảm. Ví dụ, mình có thể đồng cảm với một phụ nữ khi sanh nhưng chắc chắc mình không thể thấu cảm, vì mình chưa bao giờ đi đẻ. Vậy đó.
Và cá nhân mình, khi là chủ nợ, mình thông cảm cho con nợ được khất nợ. Nhưng khất riết mình cũng quạu, không thông cảm nỗi nữa. Nhưng khi trở thành con nợ, mình mới thật sự hiểu được cảm giác của một con nợ. Và thôi, mình chẳng đi đòi nợ nữa. Vì họ có khác gì mình đâu. Mình có khác gì họ đâu. Vậy đó.
Mà cái khó nữa là, mình chưa thấu cảm được với người khác thì sao đòi người khác thấy cảm được với mình? Mà khoan, cái thấu cảm khó quá, nói đồng cảm trước đi. Mình mong người khác đồng cảm nhưng mà người ta không đồng cảm được thì lỗi tại ai? Thật ra tại mình hết. Muốn người ta đồng cảm thì người ta phải biết mình đang như thế nào để đồng cảm chớ. Người ta chưa hiểu mình cái con mẹ gì mà đòi người ta đồng cảm? Mình tham quá không?
Nên vậy nè. Một là nếu thấy ai không đồng cảm được với những cảm xúc của mình vì người ta chưa hiểu mình, thì bỏ qua. Đừng giữ sự mong cầu một sự không xảy ra. Còn nếu muốn người ta đồng cảm với mình, hãy chia sẻ. Còn thấu cảm? Khó nha, vì người ta phải thực sự trải qua những gì giống mình từng trải, thì người ta mới thấu cảm được. Mà cái nào khó quá, thì bỏ qua, heng!