Mình không nói cụ thể số tuổi bởi việc chuẩn bị đã diễn ra nhiều năm rồi chứ không phải một vài tuần hay một vài tháng.

1.

Chết là đề tài mà mọi người luôn tránh đề cập, bởi nó xui xẻo. Nhưng có ai tránh được cái chết? Vậy sao không đối mặt và chấp nhận nó như bản chất vốn có của nó? Đó là điều mình đã chuẩn bị đầu tiên: học làm bạn với sự chết, chấp nhận nó là một phần của sinh, lão, bệnh, tử, chấp nhận con người có một số phận và một số năm sống khác nhau.

Khi nghe tin một ai đó qua đời, mình bình thản. Đó không phải là một sự bình thản vô tâm, mà là một sự chấp nhận rằng, họ đã kết thúc hành trình cuộc sống của họ, và họ đi một lối khác để đến cuộc sống mới, có thể tốt hơn. Hồi Ba mình mất, mình cũng không đau khổ hay vật vã hay hối tiếc gì dù rất buồn vì sự trống vắng. Ba đã kết thúc một hành trình trọn vẹn.

2.

Điều chuẩn bị tiếp theo là sống hạnh phúc và bình an mỗi ngày, để mỗi sáng thức dậy mình không phải tiếc nuối vì ngày hôm qua. Nói thì dễ, làm mới khó. Cuộc sống lúc lên lúc xuống, hạnh phúc hoài sao được. Nhưng mình học cách đối mặt và vượt qua với thái độ tích cực. Nếu ví khoảng cách giữa tích cực và tiêu cực như thước đo từ 1 đến 10, mình vẫn bò lên bò xuống mức 5 và 8, nhưng vẫn tốt hơn trước đó còn dưới trung bình.

Nếu muốn đi du lịch, hãy đi. Nếu muốn sống kế bên Ba Mẹ, hãy sống. Nếu muốn làm công việc yêu thích, hãy làm. Nếu muốn hát hò khùng điên, hãy hát… Hãy tranh thủ làm những gì bạn muốn làm hôm nay đi. Vì chưa chắc ngày mai bạn còn sống để làm. “Ngày mai” luôn là một “deadline” cho tất cả các dự định, là một lý do trì hoãn, và là một thời gian có thể không bao giờ xảy ra.

Khi cảm thấy sống vui vẻ, trọn vẹn mỗi ngày với những dự định rồi thì chết khi nào chả được. Con người sợ chết chẳng qua là vì họ sợ chưa thực hiện các kế hoạch, dự định mà thôi.

3.

Điều thứ ba là gỡ bỏ những kết nối vật chất. Càng có nhiều tài sản, càng mắc nhiều nợ, người ta càng sợ chết. Mà ai cũng biết, khi ta chết, ta không thể mang theo bất cứ thứ gì. Có thể mình may mắn vì… nghèo nên chả sợ chết. Không nhà cửa, không xe hơi, không tài sản, không chồng con, không vướng bận, không cả nợ nần lớn (mấy khoản nợ tí tí có chết chắc cũng không đến nỗi bị đào mộ lên đòi).

Có người hỏi sống SG lâu (18 năm) sao không mua nhà, mua xe. Mình hỏi lại, để làm gì trong khi mình không cần. Nhà cửa, xe cộ, điện thoại xịn, áo quần hiệu chả giúp mình sống hạnh phúc mỗi ngày, cũng chả ăn được nếu mình đói, bệnh. Mà lỡ mai chết, để mấy cái đó lại cho ai? Mình thấy càng ít vướng bận vật chất thì chết càng yên thân.

Mình chọn cuộc sống độc thân vì nhiều lý do, và một trong số đó là lý do này. Mình không muốn bị ràng buộc thêm một người thân nào nữa, nhất là con cái.

4.

Và điều cuối cùng là chuẩn bị cho người ở lại. Mình chết thì mình sướng, chứ người sống chả sướng gì. Đầu tiên là mua bảo hiểm. Lỡ chết còn có người lo ma chay, chứ chết rồi mà để gia đình gánh nợ là không yên thân.

Tiếp theo là chuẩn bị sẵn những thứ cần “bàn giao”, một kiểu di chúc ví dụ tài khoản ngân hàng, thông tin truy cập dữ liệu công ty, cá nhân, password mở máy tính, các thông tin quan trọng cần thiết khác. Cái này mình có sẵn. Mỗi khi đi du lịch hay gởi mấy đứa em, chứ lỡ đi không về thì biết sao được.

Cuối cùng là hiến xác, tạng. Chết rồi mình cũng không muốn gia đình tốn tiền mua đất, mua hòm, xây mộ. Sống không muốn mắc nợ ai thì chết cũng vậy. Hiến tạng để có thể cứu sống một hoặc một vài người. Xác để cho khoa học nghiên cứu. Còn họ dùng xác mình với mục đích gì là chuyện của họ. Nghiệp ai nấy gánh. Chết rồi không sân si.

Xong.

————–

Mình luôn sẵn sàng cho cái chết. Mỗi ngày mình nghĩ nhiều lần về cái chết, trong bất cứ tình huống nào. Đó không phải là sự bi quan hay buồn chán. Đó là sự chuẩn bị để nhắc bản thân sống ý nghĩa hơn mỗi ngày, và đừng chết vô lý và vô ích


P/s 1: Mình chỉ chia sẻ quan điểm và câu chuyện cá nhân chứ không có ý định khuyến khích, dụ dỗ ai làm theo.

P/s 2: Cái post dự tính viết rất nhiều lần nhưng chưa bao giờ viết được. May quá, cuối cùng cũng xong. Lỡ có chết cũng yên 😉

Show CommentsClose Comments

Leave a comment