Trước sinh nhật lần thứ 33 của tôi,

Quảng Bình trong trí nhớ non nớt của cô bé 15 tuổi tôi là một vùng quê nghèo, quê của bà nội. Nghèo đến chỗ tắm cho hai đứa cháu cũng phải sắp xếp, cái toa-lét cũng được ưu tiên. Nghèo đến độ bộ đồ ngủ nhàu nát mặc trên người cũng “sáng” hơn bộ đồ của những đứa trẻ xung quanh.

Ở đó, người ta sống bằng nghề đánh bắt cá. Nhớ có hôm, hình như là ăn bữa cơm trước khi ra khơi, hai con nhỏ còn đòi đi theo, tưởng sáng đi chiều về. Khi biết ra đi cả tháng, hai đứa còn tưởng đùa.

Tôi không nhớ rõ chụp tấm này ở đâu, chỉ nhớ là trong những ngày đi tour Tú Làn Expedition

Ở đó, không có trò chơi cho trẻ con gì cả. Hai đứa nằm ru rú trong nhà, tự chơi với nhau bằng cái trò cào tay nhau để đoán chữ. Rồi ăn đống khoai deo bà con cho để mang về. Ăn hết miếng này đến miếng khác.

Ở đó, hai đứa nhỏ chẳng hề có ý định quay lại.

Động Phong Nha
Trên đường vào Hang Tối, Suối Nước Moọc

Cảnh miền quê thanh bình, gần Hồ Đồng Suôn Quảng Bìh
Cảnh miền quê thanh bình, gần Hồ Đồng Suôn

Sinh nhật thứ 33 và những ngày sau đó,

Tôi trở lại Quảng Bình không phải để thăm quê. Mà nếu tôi đến, chắc chẳng ai biết tôi là ai cả đâu, có chăng vài người em của bà tôi. Lần này, tôi đến Quảng Bình như một du khách tham gia các tour thám hiểm hang động và đi bộ trong rừng theo lời rủ rê của con bạn thân. Tôi ở đấy 12 ngày, chuyến đi dài nhất “lịch sử”. Hơn nửa thời gian tôi sống trong rừng, trong hang. Gần nửa còn lại tôi tự trải nghiệm Quảng Bình, à không, một phần của Quảng Bình.

Một nhà thờ giữa ruộng ở thung lũng Bồng Lai
Thung lũng Bồng Lai. Nghe tên, nhìn ảnh, có ai không muốn đến?
Bên bờ Sông Son

Ở đó vẫn nghèo. Những đứa trẻ nhỏ như cháu tôi phải sống cùng ông bà rất già để cha mẹ đi kiếm sống tận Trung Quốc, mỗi năm về thăm có một lần.

Ở đó vẫn nghèo. Người ta mang những trái cây có sẵn trong vườn ra bán. Hàng “bao ăn”, không chất bảo quản.

Ở đó càng nghèo, sau khi vùng biển bị ảnh hưởng bởi “thảm họa Formosa”. Người dân nghèo càng nghèo hơn, gương mặt càng khắc khổ hơn. Họ giấu nỗi đau chỉ để làm vui lòng du khách khi nói với tôi rằng biển vắng vì đang buổi trưa giữa tuần, cuối tuần thì sẽ đông hơn.

Tháp chuông Nhà thờ Tam Tòa – Di tích chiến tranh
Bãi Đá Nhảy vắng hơn nhiều sau “thảm họa Formosa”
Cầu vòng đôi trên Hồ Đồng Suôn

Ở đó khổ, khi lũ hằng năm cứ đều đặn đến “thăm”, cuốn đi biết bao nhiêu mồ hôi nước mắt của những con người cùng khổ.

Đồi cát Quang Phú

Nhưng ở đó, con người ta tử tế. Hẳn là khi thiên nhiên quá khắt nghiệt với con người thì họ phải học cách tử tế để có thể sống với nhau, bán ổi tặng luôn muối và mời luôn chổ ngồi.

Ở đó, phong cảnh quá đẹp. Có lẽ đó là quà tặng thiên nhiên “đền bù” cho những thiệt hại, thiên tai mà Quảng Bình gánh chịu. Biển đẹp. Cát đẹp. Rừng đẹp. Hang đẹp. Và cả những con người đẹp.

Tôi trở về phố, kết thúc một chuyến đi như bao chuyến đi khác. Nhưng có lẽ, không như các chuyến đi trước, tôi đã “lỡ” mang về một nỗi nhớ Quảng Bình da diết.

Thành phố Đồng Hới dọc bãi biển Nhật Lệ

Cảnh đẹp Quảng Bình trên tỉnh lộ 561

Quảng Bình đẹp lắm ai ơi!

Sài Gòn 26/7/2016

Show CommentsClose Comments

2 Comments

Leave a comment